Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng, các địa phương không được phép chủ quan

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), nhiều tỉnh miền Trung từ đêm qua đã bắt đầu có mưa. Hiện, hình thái ATNĐ tiếp tục di chuyển nhanh vào đất liền và có khả năng mạnh lên thành bão trong 1 - 2 ngày tới.

Số liệu quan trắc sáng nay (6/10) cho thấy, từ 19 giờ tối qua (5/10) đến sáng nay (6/10), các khu vực trên cả nước, nhất là tại miền Trung đã có mưa, mưa vừa đến mưa to. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Trà Giác (Quảng Nam) 128mm; Viễn An Đông (Cà Mau) 124mm; Vinh (Nghệ An) 107mm; Sơn Lâm (Hà Tĩnh) 94mm; Phú Quý (Bình Thuận) 89mm; Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 76mm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 6/10 đến ngày 8/10 ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt. Từ ngày 9 - 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ.
Các tỉnh khu vực miền Trung sẽ có mưa diện rộng trong ít nhất 3 ngày tới. Ảnh minh hoạ.
Liên quan đến diễn biến ATNĐ, đến gần trưa nay (6/10), ATNĐ tiếp tục di chuyển hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Dự kiến đến 1 giờ ngày 7/10, vị trí tâm ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/h và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Thông tin sáng nay (6/10) từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, cả nước hiện có 203 hồ chứa thuỷ điện cập nhật thông tin, lưu lượng nước về hồ. Trong đó, 34 hồ đang phải vận hành điều tiết qua tràn (Bắc Bộ: 8 hồ; Bắc Trung Bộ: 1 hồ; Đông Nam Bộ: 2 hồ; duyên hải Nam Trung Bộ: 2 hồ và Tây Nguyên: 21 hồ).
Cũng theo báo cáo nhanh số của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, đến sáng nay (6/10), lực lượng chức năng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 người biết diễn biến, hướng đi của ATNĐ để chủ động di chuyển phòng tránh, hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến nhận định, diễn biến của ATNĐ hiện còn phức tạp, nguy cơ hình thành bão những ngày tới là rất lớn. Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương không được phép chủ quan. Tinh thần ứng phó phải giống như sắp đối diện với một cơn bão.
Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là tiếp tục thực hiện các nội dung theo Công điện 13/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai. Trong đó, các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi khẩn trương có văn bản thông báo và công điện để chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trên biển Đông.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu các tỉnh, TP tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra để chủ động các biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần