Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, Quảng Ngãi khẩn trương ứng phó

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tùy theo diễn biến thực tế, các địa phương chủ động quyết định tạm hoãn cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung vào công tác phòng, chống, khắc phục bão, mưa, lũ.

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh tại công điện khẩn về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5, được ban hành vào chiều 14/10.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng yêu cầu tiếp tục cấm tất cả phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại), cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi cấm các phương tiện tàu, thuyền ra khơi.
Quảng Ngãi cấm các phương tiện tàu, thuyền ra khơi.

Các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, sử dụng tất cả phương tiện truyền thông hiện có truyền tin dự báo, cảnh báo bão để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Rà soát, thông báo và tổ chức di dời, sơ tán các hộ gia đình có nhà ở không đảm bảo an toàn đến nơi tránh trú an toàn; triển khai biện pháp hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường tại khu vực các xã ven biển và huyện Lý Sơn trong thời gian bão gây gió mạnh trong khu vực.

Kiểm tra, rà soát lại tất cả công trình đang thi công, đang tích nước, vận hành trên địa bàn, phải xác định dùng kỹ thuật hợp lý, an toàn công trình và tổ chức sơ tán, di dời ngay toàn bộ người và thiết bị, máy thi công ra khỏi công trường đến nơi an toàn. Hoàn thành việc di dời trước 17 giờ ngày 14/10.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão (bão số 5), ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Vùng biển Quảng Ngãi có gió Bắc đến Tây Bắc cấp 8, giật cấp 9 - 10, biển động; vùng ven biển có gió cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9 và khả năng từ ngày hôm nay (14/10) đến ngày 16/10, trên địa bàn tỉnh sẽ có một đợt mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 200 - 450mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.

Trong điều kiện thời tiết chuyển biến xấu mà dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, ngày 14/10, UBND huyện đảo Lý Sơn tổ chức họp khẩn, triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo đó, ngày 15 và 16/10, huyện sẽ huy động các lực lượng cùng nhân dân tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng, xử lý vật dụng chứa nước không cần thiết, xác định, khoanh vùng ổ dịch để phun hóa chất. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền để người dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết nhằm thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng, chống dịch.

Trung tâm y tế Quân dân y huyện duy trì trực cấp cứu 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời các ca bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất phòng dịch, xét nghiệm, chẩn đoán chính xác bệnh, hạn chế ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Cảnh sát biển đưa người dân Lý Sơn vào đất liền cấp cứu.
Cảnh sát biển đưa người dân Lý Sơn vào đất liền cấp cứu.

Từ tháng 5/2022 đến nay, huyện Lý Sơn ghi nhận 250 ca bệnh, trong đó có 1 ca tử vong. Đặc biệt, những ngày qua, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện bùng phát, nhiều ca chuyển nặng phải thuê tàu cao tốc vào đất liền cấp cứu trong điều kiện biển động mạnh. Mỗi chuyến tàu phải chi trả khoảng 20 triệu đồng, trở thành gánh nặng cho người dân đất đảo.

Chỉ riêng trong ngày 10 và 12/10, huyện đảo có 6 ca bệnh sốt xuất huyết phải thuê tàu cao tốc và sự hỗ trợ của tàu cảnh sát biển vượt sóng to, gió lớn đưa vào đất liền điều trị.