Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ nhiều khả năng mạnh lên bão, chiều 6/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến bàn giải pháp ứng phó. Đại diện nhiều bộ ngành, lãnh đạo của 10 tỉnh, TP khu vực miền Trung tham dự cuộc họp.
Chủ động ứng phó
Là địa phương được nhận định sẽ chịu ảnh hưởng lớn của ATNĐ sau mạnh dần lên thành bão, tỉnh Thanh Hoá đã lên phương án ứng phó với các tình huống. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang cho biết, tỉnh đã thành lập 559 đội xung kích phòng chống thiên tai, huy động 1.100 cán bộ, lực lượng tham gia tác chiến ứng phó ATNĐ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ông Giang thông tin thêm, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 trọng điểm đê điều đã được xử lý sơ bộ. Dù thiên tai gây thiệt hại khoảng 44 tỷ đồng từ đầu năm 2021 là con số thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng tinh thần ứng phó của tỉnh vẫn là không chủ quan. Chủ động với mọi tình huống để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ATNĐ.
Tại tỉnh Nghệ An, hơn 2.800/3.500 phương tiện, tàu thuyền đã được kêu gọi, hướng dẫn vào bờ neo đậu, số còn lại đang trên đường về nơi tránh trú an toàn. Hiện, Nghệ An tập trung cao độ cho nhiệm vụ kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó thiên tai trong điều kiện Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm, đáng lo ngại hiện nay khi toàn tỉnh đang có 900 hồ chứa đầy nước, trong đó có nhiều hồ chứa thuỷ điện lớn. Hiện, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan quản lý theo dõi giám sát chặt chẽ, sẵn sàng phương án xả nước điều tiết để bảo đảm an toàn hồ đập.
Xây dựng 4 kịch bản sơ tán dân khi có thiên tai là nhiệm vụ giải pháp vừa được tỉnh Hà Tĩnh quán triệt triển khai và hoàn thành trước diễn biến ATNĐ. Tại tỉnh này, trong hai ngày qua đã có mưa rất lớn. Các hồ chứa nhỏ được ghi nhận đã tích đầy nước, nhiều hồ chứa lớn cũng đã tích đến 60 - 80% thiết kế.
Nhấn mạnh tinh thần không chủ quan trong ứng phó ATNĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết địa phương đã gửi thông báo cuộc họp của Trung ương và yêu cầu kết nối cuộc họp đến toàn bộ các huyện, thị xã để cùng nắm bắt tình hình. Ông Sơn cho biết thêm, các đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đã xuống kiểm tra trực tiếp tại huyện, thị xã trọng điểm chịu tác động của ATNĐ và mưa lũ để chỉ đạo ứng phó.
Bảo đảm sơ tán dân an toàn trong dịch bệnh
Thông tin tại cuộc họp, đại tá Nguyễn Đình Hưng - Phó Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 13 giờ ngày 6/10, đơn vị đã phối hợp với các tỉnh, TP thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động biết diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng, tránh. Đáng chú ý trong đó có 235 tàu/1.929 lao động hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (vùng ảnh hưởng trực tiếp của ATNĐ).
Hơn 290.000 người dân các địa phương miền Trung nằm trong kế hoạch di dời đến nơi an toàn. Ảnh minh hoạ - VietnamPlus. |
Ngoài ra, trên biển hiện còn có 512 tàu vận tải đang trong khu vực quản lý của các Cảng vụ hàng hải từ Thanh Hóa đến Bình Định. Trước nguy cơ lớn từ ATNĐ, TP Đà Nẵng đã “cấm biển” từ 14 giờ ngày 5/10, tỉnhThừa Thiên Huế cũng đã không cho phép phương tiện ra khơi từ 14 giờ chiều nay (6/10).
Để bảo đảm an toàn cho người dân, các địa phương ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh, TP ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi đã sẵn sàng phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương đã xây dựng phương án dự kiến sơ tán 71.559 hộ/290.671 dân đến nơi tránh trú an toàn.
Cụ thể, Thanh Hóa 6.516 hộ/29.316 dân, Nghệ An 18.200 dân, Hà Tĩnh 658 hộ/9.823 dân; Quảng Bình 29.125 hộ/ 109.300 dân, Quảng Trị 17.384 hộ/61.210 dân, Huế 7.192 hộ/20.148 dân, Đà Nẵng 693 hộ/9.116 dân, Quảng Nam 2.957/ 9.116, Quãng Ngãi 7.034/24.442 dân.
Hiện, các địa phương vùng ảnh hưởng của ATNĐ cũng đã hoàn thành rà soát đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để bảo đảm an toàn dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, tại 9 tỉnh, TP có tổng số 7.690 ca F0. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ.
Không chủ quan với nguy cơ bão trên biển Đông
Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ, trưa 6/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1311/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ ngành và địa phương từ Thanh Hóa đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên để chủ động ứng phó với bão, mưa lũ. Trước đó, ngay từ khi hình thành vùng áp thấp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có công điện và các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ.
Những ngày qua, Bộ TN&MT thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo bão, mưa lũ phục vụ công tác chỉ đạo. Bộ NN&PTNT rốt ráo chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đê điều, hồ chứa và thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch. Bộ GTVT phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm đếm, cảnh báo tàu thuyền vận tải; phương án đảm bảo an toàn đường bộ, đường thủy, đường hàng không…
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Trọng Tùng. |
Đánh giá nguy cơ ATNĐ mạnh lên thành bão là rất lớn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1311/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi sát diễn biến của ATNĐ, mưa lũ, thông tin kịp thời đến người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bão trên các phương tiện thông tin công cộng (đài, loa xã phường…).
Ông Trần Quang Hoài cũng nhấn mạnh các địa phương cần khẩn trương rà soát; sẵn sàng phương án di dời dân cư vùng ven biển, trũng thấp; vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khẩn trương vận động, hỗ trợ bà con thu hoạch lúa, rau màu; lên kịch bản sơ tán cho vật nuôi tại các trang trại; Gia cố hệ thống lưới điện và sẵn sàng phương án khắc phục sự cố.
Liên quan đến công tác cách ly y tế trong bối cảnh thiên tai, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương cần tổ chức xét nghiệm, xác định F0, F1, đảm bảo an toàn điều kiện cách ly (các điều kiện 5K). Đồng thời, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.
Chú trọng công tác bảo vệ công trình đê điều, hồ chứa; có phương án xả lũ an toàn, kết hợp tích nước các hồ còn thiếu nước. Rà soát, kiên quyết tạm dừng các công trường đang thi công, nhất là vùng ven biển, trên cao, ven sông suối (không để xảy ra như Rào Trăng 3) trong thời gian ảnh hưởng của ATNĐ, bão, mưa lũ. Xây dựng phương án cụ thể ứng phó lũ quét, sạt lở đất.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực, cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ, nhất là bố trí phương tiện, trang thiết bị tại các vị trí xung yếu để ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu. Đồng thời, sẵn sàng các đoàn công tác chỉ đạo hiện trường trong tình huống bão, mưa lũ diễn biến phức tạp.
Thông tin từ đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia chiều 6/10, từ nay đến ngày 8/10, khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi có mưa đặc biệt lớn 300 - 500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt; khu vực Bình Định – Phú Yên và Gia Lai phổ biến 100 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Từ ngày 9 - 12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ. |