Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thuế chống bán phá giá 5 năm với thép nhập từ Trung Quốc

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương vừa ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép nhập khẩu hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông). Mã các sản phẩm thép này là 7216.33.00, 7228.70.10, 7228.70.90.
 
Biện pháp chống bán phá giá chính thức được áp dụng dưới hình thức áp thuế nhập khẩu bổ sung ở mức 20,48% và 22,09% tùy từng loại. Riêng các công ty sản xuất và xuất khẩu không hợp tác trong vụ điều tra sẽ bị áp thuế chống bán phá giá là 29,17%.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực bắt đầu từ 5/9/2017. Thời hạn áp dụng 05 năm, kể từ ngày có hiệu lực chính thức, tức là đến ngày 07/09/2022.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua có sự tồn tại hành vi bán phá giá của một số doanh nghiệp thép hình chữ H Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, cản trở và ảnh hưởng đến sự hình thành ngành sản xuất thép trong nước.
Trước đó, sau khi điều tra sơ bộ hành vi bán phá giá của các DN thép Trung Quốc nhập loại thép mạ hình chữ H vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng thép chữ H từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 3/8/3017, thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đã hết.
Bộ Công Thương đưa ra danh sách 14 nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung Quốc nằm trong danh sách bị Việt Nam đánh thuế chống bán phá giá chính thức.
Đây không chỉ là lần đầu tiên hàng hóa Trung Quốc là sắt thép, hợp kim bị đánh thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Tháng 3/2017, Bộ Công Thương sau khi điều tra đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép các bon cán phẳng ở dạng cuộn và không cuộn.
Tháng 9/2014, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.