Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Áp thuế với phân bón nên hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương án áp thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ đảm bảo cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu. Xa hơn là vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.

Ngày 17/11/2024, Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến: “Áp thuế GTGT phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”.

Tọa đàm hướng tới vì một nền nông nghiệp bền vững.

Sửa để phù hợp thực tế

Khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Phạm Thuận Thiên - Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) cho biết, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71), có hiệu lực từ 1/1/2015.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên

Tại Khoản 1, Điều 3, Luật này quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). 

Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện, Luật Thuế 71 đã nảy sinh nhiều bất cập, đi ngược lại so với mong muốn ban đầu. Cụ thể là khiến giá bán phân bón trong nước không những không giảm mà còn tăng lên do phải gánh phần thuế GTGT đầu vào mà doanh nghiệp không được hoàn thuế do không có thuế GTGT đầu ra; tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu; ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển, có nguy cơ đi thụt lùi; ngân sách nhà nước thất thu...

ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên
ĐBQH Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ. Ảnh: Khắc Kiên

Do vậy, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã được đưa ra thảo luận, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV này. Trong đó, phương án áp thuế GTGT 5% đối với phân bón đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều ĐBQH cũng như các chuyên gia, nhằm đảm bảo cạnh tranh giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón được nhập khẩu, vì lợi ích người nông dân, sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng khoản 3 Điều 15 trong Dự thảo Luật là không hợp lý, cần phải được điều chỉnh.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ngày 26/11 tới đây Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế GTGT. Đây là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của các ĐBQH, doanh nghiệp, cử tri cả nước. Hiện nay, cơ bản những nội dung lớn của Luật Thuế GTGT đã được thống nhất chỉ còn một số ý kiến khác nhau.

"Cần phải nhận thức rằng, Thuế GTGT với phân bón có giá trị không chỉ dừng lại ở mặt kinh tế mà còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác. Các ĐBQH cũng cần phải lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, các đánh giá dưới góc độ khoa học để có sự thống nhất cao" - vị này thẳng thắn. 

Nâng cao chất lượng, tăng cạnh tranh

Theo Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam Lê Văn Ngân, để giúp các doanh nghiệp phân bón trong nước cải thiện dây chuyền sản xuất, quy trình công nghệ, cũng như quá trình nghiên cứu, cải thiện sản phẩm, cần có sự điều chỉnh về thuế GTGT theo hướng của các đại biểu đã phân tích là đưa thuế GTGT từ diện không chịu thuế về diện chịu thuế GTGT 5%, khi đó doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, doanh nghiệp sẽ có động lực đầu tư vào dây chuyền sản suất mới, hiện đại. 

Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam Lê Văn Ngân. Ảnh: Khắc Kiến Xương 
Chánh Văn phòng Hiệp hội Phân bón Việt Nam Lê Văn Ngân. Ảnh: Khắc Kiến Xương 

PGS.TS Định Trọng Thịnh cho hay, qua chuyến đi tới vùng nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, tôi nhận thấy người nông dân hiện nay sử dụng phân bón cho trồng lúa và cây trồng là chủ yếu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết người nông dân cho rằng hiện nay phân bón Việt Nam chưa đủ cạnh tranh đối với phân bón nước ngoài.

Vì vậy, Luật Thuế GTGT trong đợt sửa đổi này mong muốn làm sao được chuyển hóa để làm sao nâng cao được năng suất chất lượng phân bón, vật tư thiết bị đáp ứng được nhu cầu người nông dân. Từ đó, dẫn đến chi phí giá thành giảm, đổi mới hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới, ứng dụng khoa học công nghệ trông nông nghiệp sẽ đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo khối lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dung của ng dân trong nước và nhu cầu xuất khẩu, nâng cao thu nhập đời sống người nông dân. Đặc biệt từ đó đưa nông nghiệp trở thành nền tảng hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam thăng hoa thời gian tới.

Ủy viên Thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Văn Được cho rằng, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, khi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.

Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón và cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.

Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.

Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.

Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi. Từ đó có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, thậm chí có thể tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thậm chí phá sản…