Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

APEC 2017 và cơ hội cho Việt Nam

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị tổng thể đầu tiên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương APEC 2017 (SOM1) gồm 56 cuộc họp, hội thảo, đối thoại… của 38 ủy ban và nhóm công tác APEC trên nhiều lĩnh vực sẽ diễn ra tại Nha Trang từ ngày 18/2 - 3/3.

Tầm quan trọng của Diễn đàn cùng sự hiện diện của hàng ngàn đại biểu quốc tế là cơ hội "vàng" cho Việt Nam.

Cơ hội lớn thay đổi tư duy

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên mong muốn tạo được động lực mới cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ tập trung vào 4 hướng bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Tăng cường liên kết kinh tế khu vực; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội nghị chuyên đề về các ưu tiên của APEC 2017 do Ủy ban Quốc gia APEC 2017 tổ chức.

Việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi đây là diễn đàn hội tụ các nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Canada… cho tới những nền kinh tế mới nổi, năng động như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… Đây cũng là một trong số ít các diễn đàn kinh tế có số lượng nhóm công tác nhiều nhất, trên 50 nhóm công tác trên nhiều lĩnh vực chuyên ngành như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, DN nhỏ và vừa, y tế, hạ tầng giao thông… Vì thế, Việt Nam được kỳ vọng với tư cách lái tàu, chủ nhà sẽ thúc đẩy các nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Nhiều tập đoàn đa quốc gia và hàng đầu khu vực mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nền kinh tế trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Vũ - Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 cho biết, với 20 hoạt động lớn, 159 cuộc họp APEC sẽ diễn ra trên 8 tỉnh, thành, DN Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây cũng là cơ hội phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, DN, người dân tới bạn bè trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Qua đó, nâng cao vị thế, tạo thuận lợi để Việt Nam hoàn tất các cam kết quốc tế, đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế khác. Hội nghị SOM 1 tại Nha Trang, Việt Nam đề ra các kiến nghị và sáng kiến trên tất cả các lĩnh vực để có thể đưa ra bàn thảo cùng các thành viên, bao gồm tăng cường liên kết kinh tế khu vực; thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; hỗ trợ DN vừa và nhỏ nâng cao tính cạnh tranh của kỷ nguyên số; xây dựng nền nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm tiến tới thống nhất để có thể đưa lên cấp cao hơn là ở Hội nghị Bộ trưởng và sau đó là các nhà lãnh đạo tại Tuần lễ cấp cao APEC vào cuối năm nay.

Thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC năm 2017 là cơ hội vàng cho DN Việt Nam. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2017 trong hợp tác kinh tế. Nhưng không chỉ có vậy, đây còn là cơ hội để tăng thêm những giá trị gia tăng khác cho DN Việt Nam, thúc đẩy đầu tư, gia tăng giao lưu thương mại…

Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, bên lề Tuần lễ cấp cao APEC sẽ có nhiều sự kiện và hoạt động liên quan đến DN được tổ chức do VCCI chủ trì như Hội nghị Thượng đỉnh các lãnh đạo DN APEC (APEC CEO Summit 2017); Hội nghị Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC 4 (ABAC 4); Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với thành viên ABAC; Diễn đàn khởi nghiệp APEC… “Đây sẽ là diễn đàn để cho DN đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC, tiếp cận với những xu hướng kinh doanh mới trên toàn cầu, môi trường đầu tư kinh doanh, mô hình tổ chức kinh doanh và những đổi mới sáng tạo trong hoạt động DN” - ông Lộc nhấn mạnh.
 Lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh:  Trần Việt

Nhận định về sự chuyển động của kinh tế thế giới trong bối cảnh Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017, ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cho rằng, các nền kinh tế, các khu vực đều đang phải đối mặt với những thách thức đan xen: giá nguyên liệu giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, thương mại toàn cầu, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế khu vực APEC và toàn cầu. Đó cũng là lý do Việt Nam đã đề xuất chủ đề của năm APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhằm tạo thêm động lực trong bối cảnh mới vì duy trì hoà bình ổn định ở khu vực. Nhưng dù thế nào thì đây cũng sẽ là một cơ hội lớn để phát triển kinh tế, DN, đặc biệt là sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, kết nối với các đối tác chiến lược tiềm năng, hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới…

Hội nhập kinh tế là chìa khóa

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang nhấn mạnh, các nền kinh tế thành viên APEC vẫn cần tiếp tục theo đuổi con đường hội nhập kinh tế và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Lim Hng Kiang khẳng định tầm nhìn của APEC sẽ vẫn là thúc đẩy tăng trưởng thông qua hợp tác kinh tế sâu rộng hơn và tăng cường hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thừa nhận APEC đang phải đối mặt với nhiều thách thức để thực hiện tầm nhìn này, như tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập và vấn đề nhập cư... và đặc biệt là lợi ích từ toàn cầu hóa chưa được phân bố một cách đồng đều khiến xu thế bảo hộ thương mại tăng lên, song Bộ trưởng Lim Hng Kiang nhấn mạnh việc ngắt kết nối các chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay sẽ dẫn đến việc thị trường bị thu hẹp và hạn chế việc làm, người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí cao hơn đồng nghĩa với lựa chọn ít hơn.

Theo Bộ trưởng Lim Hng Kiang, việc thực hiện Khu vực Mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) nên tiếp tục là "chìa khóa" trong chương trình nghị sự của APEC để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại. Đặc biệt, Chính phủ các nền kinh tế thành viên cần đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục và đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động cũng như triển khai mạnh các sáng kiến để hỗ trợ các DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa - vốn chiếm hơn 97% tổng số DN và 50% lực lượng lao động của các nền kinh tế APEC; tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển...

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Singapore về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (SINCPEC), TS. Tan Khee Giap chia sẻ, APEC có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư, đóng góp vào cho sự tăng trưởng và thịnh vượng chung ở khu vực cũng như xóa đói giảm nghèo, đồng thời khẳng định Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình này. Với việc đăng cai APEC 2017, Việt Nam cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy toàn cầu hóa, tạo sự gắn kết giữa các thành viên APEC nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại cũng như đưa tăng trưởng đến với mọi người dân, tạo sự thịnh vượng và phát triển bền vững ở khu vực.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) Võ Trí Thành cho rằng, vai trò của APEC không những không bị suy giảm đi trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng mà ngược lại, sẽ càng tăng cường bởi chính lúc này, APEC lại càng phải cần đi đầu, cất cao tiếng nói đẩy mạnh công cuộc hội nhập, liên kết ở khu vực, tính đến những đòi hỏi, yêu cầu mới một cách đầy đủ hơn, như vấn đề tăng trưởng toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

APEC Việt Nam 2017 thực sự là cơ hội lớn đối với nước ta, DN Việt Nam trong 10 năm tới để thay đổi tư duy và xây dựng văn hóa hội nhập.

Ông Nguyễn Minh Vũ

Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017