Đối thoại gồm một phiên toàn thể và năm phiên thảo luận nhóm tập trung vào hai nội dung lớn là (i) Những ưu tiên quan trọng để chấm dứt khủng hoảng y tế và tái thiết nền kinh tế - thương mại khu vực; (ii) Các giải pháp hỗ trợ nhóm đối tượng dễ tổn thương, ứng phó biến đối khí hậu, giải quyết các thách thức về bao trùm và bền vững.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, hoan nghênh những khuyến nghị sâu sắc, thiết thực của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) gửi Lãnh đạo APEC và đề nghị ABAC tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước những khó khăn và thách thức to lớn chưa từng có mà thế giới đang đối mặt, các nền kinh tế cần có cách tiếp cận tổng thể, đột phá, mạnh mẽ, mà trong đó nỗ lực tự cường ở mỗi nền kinh tế và hợp tác khu vực, toàn cầu cần phát huy tác động tương hỗ.
Cụ thể là: (i) Phát huy nội lực để giữ vững ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh của mỗi nền kinh tế tạo nên những viên gạch vững chắc cho xây dựng lại nền kinh tế khu vực và toàn cầu. (ii) Đồng thời, hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế lại bổ trợ cho các nỗ lực nội tại của mỗi nền kinh tế, thông qua việc tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, đi lại của người dân và hỗ trợ hoạt động của các chuỗi cung ứng.
APEC phải là nơi thắp sáng những cơ hội mới, gắn kết phục hồi kinh tế với chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu và luôn bảo đảm lợi ích của người dân, phát huy tiềm năng của các nhóm yếu thế.Chủ tịch nước tái khẳng định những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan vào 2030, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30%. Chủ tịch nước cũng chia sẻ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp mạnh, tiếp cận tổng thể, lồng ghép các kế hoạch, chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” với chuyển đổi kinh tế số, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đối khí hậu.
Theo đó: Một là, để phục hồi kinh tế, mọi chính sách đều nhằm hỗ trợ cả người lao động và người sử dụng lao động; quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các gói hỗ trợ an sinh xã hội và các nguồn lực xã hội cũng được huy động để hỗ trợ nhóm yếu thế, người nghèo vươn lên;
Hai là, tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam thông qua các chương trình trồng rừng, mô hình kinh tế “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên; các ưu đãi, khuyến khích quá trình xanh hoá các ngành kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh;
Ba là, tăng cường kết nối kinh tế, bảo đảm các chuỗi cung ứng; cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế khi thực hiện các cam kết tại nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA quy mô lớn, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP. Việt Nam tạo mọi điều kiện cho mọi doanh nghiệp thành công.
Chủ tịch nước nhấn mạnh giai đoạn khó khăn, thách thức hiện nay cũng là cơ hội, thời cơ tốt cho các doanh nghiệp dám mạnh mẽ tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh doanh bền vững, bao trùm. Những mục tiêu tham vọng của các nền kinh tế APEC về phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu,... chỉ có thể trở thành hiện thực khi cộng đồng doanh nghiệp APEC chung tay thực hiện sáng tạo, hiệu quả lộ trình cắt giảm khí thải, tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ mới và hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng xanh.