Khi thị trường tiêu dùng đang trở nên bảo hòa thì mảng doanh nghiệp lại trở thành "miếng mồi" béo bở khiến nhiều đại gia công nghệ như Apple, Google để mắt tới. Các chuyên gia dự đoán, phân khúc này sẽ thực sự "nóng bỏng" hơn trong thời gian tới.
Hãng nghiên cứu Gartner đề suất rằng, chi tiêu cho CNTT trên toàn cầu vào năm 2014 sẽ tiêu tốn 3,7 tỷ USD và một phần ngày càng lớn trong số đó sẽ dành cho smartphone, máy tính bảng và hỗ trợ các ứng dụng và dịch vụ.
BlackBerry đã thống trị thế giới kinh doanh nhiều năm nhưng thất bại trong việc nắm bắt thị trường tiêu dùng rộng rãi hơn nên đã bị nhấn chìm. Apple đã len lỏi qua xu hướng BYOD (sử dụng thiết bị cá nhân giải quyết công việc), nhận thấy tiềm năng và công việc để đảm bảo thị trường cho chính họ. Mặc dù xâm nhập “đáng ghờm” vào trong thế giới kinh doanh với các ứng dụng dành cho doanh nghiêp của Google, tạo ra “đám mây” giá phải chăng hơn cho mọi quy mô doanh nghiệp, nhưng Google đã không đi theo chiến lược doanh nghiệp dành cho Android.
Apple “bắt tay” IBM
Theo bo cáo Good Technology, tổng hợp dữ liệu từ 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên 184 quốc gia, cho thấy, trong quý 1/2014, các thiết bị iOS chiếm 72% thiết bị di động trong doanh nghiệp; 51% trong số đó là iPhone và 21% là iPad.
Trong 500 doanh nghiệp thuộc ngành tài chính trên toàn thế giới nói riêng, có đến 97% doanh nghiệp sử dụng iPhone, 98% doanh nghiệp sử dụng iPad. Nhìn chung, có khoảng 90% doanh nghiệp sử dụng máy tính bảng đều dùng iPad, 95% ứng dụng đều chạy trên iOS. Đó là trước khi quan hệ hợp tác với IBM được công bố. Mới đây Apple đã công bố “bắt tay” IBM để tiến sâu hơn nữa vào mảng doanh nghiệp.
Theo thương vụ đó, IBM không chỉ bán phần mềm cho thiết bị iOS thông qua hợp tác với Apple, mà cũng sẽ bán iPhone và iPad với các giải pháp cụ thể của ngành công nghiệp cho các khách hàng doanh nghiệp toàn cầu, vốn là thị trường chủ lực của BlackBerry trước nay.
Ngoài ra, IBM sẽ phát hành hơn 100 ứng dụng, mang những chức năng chuyên biệt phục vụ các ngành công nghiệp bán lẻ, sức khỏe, ngân hàng, du lịch, truyền thông và giao thông vận tải.
Hợp tác giữa Apple và IBM sẽ cung cấp các dịch vụ đảm bảo an ninh, quản lý thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data) và các phân tích. Công ty còn dự kiến phát triển các dịch vụ đám mây tối ưu hóa cho hệ điều hành iOS của Apple. Những thiết bị "Quả táo" sẽ vận hành thông qua nhà mạng được khách hàng chỉ định. Các ứng dụng sẽ được hỗ trợ thông qua AppleCare, chính sách bảo hành phần cứng và dịch vụ khách hàng của Apple.
Google và nhiều hãng khác lo lắng
Môi trường doanh nghiệp vốn vẫn là thị trường lớn của BlackBerry. Công ty Canada cung cấp giải pháp phần cứng gồm thiết bị như smartphone BlackBerry, phần mềm ứng dụng và hệ thống quản lý bảo mật cho doanh nghiệp. BlackBerry Z10 hay Z3 gần đây cũng là smartphone tích hợp sẵn giải pháp an toàn sử dụng, bảo mật dữ liệu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Apple “bắt tay” với IBM sẽ khiến cho “miếng bánh” của BlackBerry trong lĩnh vực này có nguy cơ bị thu hẹp lại.
Không chỉ có Apple, Samsung cũng nhắm tới thị trường doanh nghiệp màu mỡ này khi tích hợp giải pháp bảo mật Knox trên các máy tính bảng và smartphone cao cấp gần đây. Cả Apple và Samsung dần chiếm được sự tin cậy về độ an toàn trong môi trường doanh nghiệp, nơi trước nay do BlackBerry độc chiếm.
Giới phân tích nhận định, hợp tác với IBM sẽ giúp Apple rất nhiều, cả về giải pháp phần mềm an ninh cho smartphone, chính sách bảo vệ dữ liệu cũng như dựa vào cái bóng khổng lồ của IBM, một công ty công nghệ hàng đầu trong nhiều thập kỷ qua.
Đối với Apple mà nói, sự kiện này sẽ tiến thêm một bước thu nhỏ dần thị trường của BlackBerry theo từng ngày. Đồng thời uy hiếp nỗ lực của Google và Samsung trong thị trường thiết bị di động, ngay sau khi Google và Samsung vừa thoả thuận xong việc hợp tác trong đại hội I/O Developers diễn ra trước đó. Samsung đã đưa một phần phương án bảo mật Knok do mình tự phát triển vào trong hệ thống Android, để Android thuận lợi hơn tiến vào thị trường doanh nghiệp, nhằm làm giảm bớt sức ảnh hưởng của hệ sinh thái Windows Phone trong thị trường này mặc dù thị phần của Microsoft chỉ đạt khoảng 4% - 5%.
Đồng thời tại Google I/O năm nay, Google cũng đã công bố Android for Work. Đây là một tập hợp các tính năng bảo mật và quản lý dành cho doanh nghiệp. Nhờ vào Android Work, nhân viên có thể dùng chính chiếc điện thoại chạy Android L của mình cho mục đích làm việc, không phải đem cùng lúc một máy cá nhân, một máy công ty. Dữ liệu và ứng dụng của công ty sẽ được cô lập trong một khu vực riêng (gọi là một hồ sơ dành cho Android Work), tương tự như giải pháp BlackBerry Balance, LG Gate hoặc Samsung Knox. Người quản trị hệ thống IT có khả năng cài đặt nhiều app đã chọn vào thiết bị của nhân viên chỉ với một vài thao tác đơn giản.
Một điều thú vị đó là Android Work không chỉ được phát triển bởi một mình Google mà còn có sự đóng góp của Samsung. Việc chinh phục doanh nghiệp từ góc độ phần cứng có thể không cao trong danh sách của Google nhưng rất quan trọng đối với Samsung. Tỷ lệ lợi nhuận trên thị trường béo bở này là rất cao. Đó cũng là lý do tại sao Apple tập trung vào đây vì thị trường tiêu dùng đang đạt độ bão hòa và không muốn cạnh tranh trong phân khúc bình dân.
Trong khi đó, Google lại hài lòng với việc tăng thị phần và đã có sự hiện diện trong mảng doanh nghiệp nhờ những ứng dụng của hãng. Giám đốc điều hành của Samsung dường như nhận ra rằng, nếu họ muốn các thiết bị Android của họ khỏa lấp vết lõm trong mảng doanh nghiệp thì họ sẽ phải làm một số công việc nặng nhọc. Trận chiến này thực sự là giữa Apple và các nhà sản xuất thiết bị gốc của Android mà dẫn đầu là Samsung chứ không thực sự là giữa Apple và Google.
Tuy nhiên, vì thị phần Android khá lớn và đang xâm nhập ngày càng nhiều vào trong doanh nghiệp, nến Samsung buộc phải kéo Google và OEM cùng thực hiện điều này và tạo cho Android hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp thì họ có thêm cơ hội xâm nhập sâu hơn nữa vào lĩnh vực này.