Đi tìm giải pháp tổng thể
Với TP Hà Nội, chủ trương này đã được khởi động gần 10 năm, nhưng cho đến nay, mới thực hiện được 1% kế hoạch. Để có được những động thái mới, tích cực trong công cuộc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, đã đến lúc, cần có những giải pháp về chính sách mang tính đột phá. Sự thay đổi cần có không chỉ từ các cấp chính quyền mà còn phải có cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Bộ Xây dựng, đến người dân và doanh nghiệp…
Bài 1: Nỗi lo và hy vọng… đều cũ
Xuống cấp nghiêm trọng
Được đưa vào sử dụng từ năm 1956, chung cư B5 Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều mảng trần, tường nhà bị bong tróc trông rất thảm hại. Khu nhà cũ nát, phía trong một màu vàng xỉn, bên ngoài thì đen đúa.
Không chỉ B5 Quỳnh Mai, tình trạng xuống cấp diễn ra ở hầu hết các khu chung cư cũ, kèm theo đó là những hiểm nguy rình rập cuộc sống của các hộ dân ở đây. Tại khu chung cư C16, C17 Tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), cứ mỗi đợt mưa lớn, bể phốt lại ngập, trào ra ngoài, phát tán mùi hôi khó chịu. Khi mưa gió, những "ba lô" lủng lẳng sau lưng mỗi căn nhà lại rung bần bật, những làn dây điện mong manh đan chéo từ nhà nọ sang nhà kia thường bị kéo giật mạnh. Nạn tự do cơi nới đã phá vỡ kết cấu, khả năng chịu đựng của các khu nhà. Theo thống kê của Sở Xây dựng, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp theo nguyên tắc xã hội hóa đến nay mới đạt xấp xỉ 1% khối lượng công việc cần làm. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 348/TB-VP ngày 9/12/2009 về đồ án Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô, hầu hết tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã không có bước tiến triển nào đáng kể.
Không chỉ có nhà cấp D (đặc biệt nguy hiểm) mới nguy hiểm, qua khảo sát, đánh giá của các cơ quan chức năng có thể thấy một thực trạng đáng báo động. Qui định về công tác kiểm định chất lượng công trình mới chỉ quan tâm đến sự tác động của các môi trường sống, các yếu tố kinh tế - xã hội… đến điều kiện sử dụng. Hiện chưa có chế tài xử lý đối với yêu cầu tổ chức di dời các hộ gia đình đang cư trú tại một số chung cư được xác định mức độ nguy hiểm cấp C (đánh giá theo qui chuẩn hiện hành) nhưng thực chất các chung cư này nguy hiểm không kém gì cấp D. Tình trạng này phổ biến ở các chung cư lắp ghép tấm lớn. Đây là các căn hộ xây dựng bằng các tấm ghép có chiều dầy 10cm, liên kết bằng thép D6, D8 nhưng đến nay hầu hết các mối nối đã bị phá hủy, rất dễ bị tác động khi có lực xô ngang.
Chuồng cọp và… chuồng chim
Khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình) sau mấy chục năm tồn tại đã xuống cấp nghiêm trọng, ở ngoài nhìn vào trông rất nhếch nhác. Hầu như các căn hộ tầng trên đều đeo "ba lô" nhấp nhô, lơ lửng. Đứng trước cửa phòng 121, nhà A2 Giảng Võ, khách thấy thót tim, bởi khối "chuồng cọp" đua ra choán hết cả mặt tiền. Đa số các căn hộ ở tầng một đều tận dụng vỉa hè, hành lang để làm chỗ để đồ, rửa ráy, nấu nướng khiến lối đi rất chật hẹp.
Cũng như ở khu vực phố cổ, tại khu tập thể Giảng Võ, việc cả gia đình, nhiều khi là 2 - 3 thế hệ sinh sống trong diện tích trên dưới 10m2 không hiếm. Anh Nguyễn Văn Mạnh (phòng 121 - A2) cho biết, bố mẹ để lại căn hộ 9m2 cho tổ ấm nhỏ của anh, gồm hai vợ chồng và con gái. Tất cả sinh hoạt của gia đình đều diễn ra trong diện tích chật hẹp: nơi ngủ, bếp, chỗ để xe; riêng rửa bát, vo gạo là đưa ra ngoài lối đi. Anh Mạnh cho biết, trước đây, bố anh cùng hai đồng nghiệp được phân sử dụng chung một căn hộ. Từ ba người sống độc thân thành ba gia đình, căn hộ sống chung ngày nào đã được chia ba, gia đình anh được sở hữu 9m2.
Gia đình bà Lan (phòng 116-A2) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trước bà làm trong ngành giao thông, và được phân căn hộ chỉ 10m2. Một mình nuôi hai con, bà không thể tích cóp được đồng nào để có thể tìm một chỗ rộng rãi hơn. Trong căn hộ 10m2 đó hiện có tới 7 nhân khẩu, trong đó có cả 2 gia đình nhỏ của 2 người con. Có lẽ, căn hộ quá nhỏ nên việc thiết kế chỗ ngủ của nhà bà cũng rất đặc biệt, giường tầng giống như trong kí túc xá sinh viên.
Buồn vui giấc mơ "cải tạo"
Khi được hỏi về việc cải tạo chung cư cũ, thấp thoáng nỗi buồn, sự lo lắng trên gương mặt những người dân nơi đây. Ai không mong được ở nhà mới, nhà đẹp, nhưng việc đầu tiên họ nghĩ đến là "tiền đâu". Nhiều hộ gia đình không có đủ tiền để có thể mua lại chính chỗ ở của mình khi cải tạo, xây mới, nhất là các hộ đang ở trong các căn hộ 10 - 20m2. Nếu xây mới, làm gì còn ai xây những căn phòng 30 - 40m2, huống hồ những căn hộ 10 - 20m2. Phải bỏ ra một khoản tiền lớn là điều rất khó đối với những hộ gia đình không có công ăn việc làm ổn định. Nhiều cư dân sống ở chung cư cũ phải làm đủ nghề, từ bán trà đá, bán hàng ăn đến chạy chợ nuôi thân… nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất khó để họ mua được căn hộ rộng hơn sau khi cải tạo.
Tuy nhiên, đa số cư dân tại các khu vực này đều mong muốn các chung cư cũ sớm được cải tạo. Chị Hương, ở chung cư Quỳnh Mai chia sẻ, vì có nhiều thành viên cùng sống trong một căn hộ nên gia đình chị mong sớm có nhà mới rộng rãi để ở, thay thế cho căn hộ quá cũ nát, chật chội hiện nay.
Với tiến độ thực hiện chủ trương cải tạo, xây mới chung cư cũ như hiện nay thì cả nỗi lo lẫn niềm hy vọng nêu trên đều… quá cũ. Thậm chí, nếu không có giải pháp quyết liệt, e rằng nó sẽ tiếp tục cũ.
(Còn tiếp)
Sau khi tiến hành kiểm định đối với 77 nhà chung cư, thành phố đã lọc ra 11 nhà chung cư nguy hiểm cấp D và tiến hành di dời, cải tạo xây dựng lại theo qui định của Luật Nhà ở, như: nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1-2-3 Thái Hà; P3 Phương Liệt; C7, B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 148-150 Sơn Tây… Những khu nhà khác chưa được liệt vào nhóm D cũng đã sập sệ bởi tuổi thọ cũng quá cao. |