Các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc vừa đạt được nhất trí về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore cho biết.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu, sự đồng thuận này là một bước tiến mới, quan trọng cho thảo luận về COC.
Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin, dự thảo Tuyên bố chung hậu hội nghị Bộ trưởn Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51, trong đó nêu các Bộ trưởng Ngoại giao sẽ hoan nghênh “sự hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc được cải thiện, đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán, nhằm hướng tới việc sớm đạt đến một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông theo đúng khung thời gian mà tất cả các bên đồng nhất trí”.
Ngày 31/7, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano của Philippines nói cuộc đàm phán về COC có thể kết thúc trong năm 2018 hoặc năm 2019.
Một số Bộ trưởng sẽ nhắc lại quan ngại việc Trung Quốc cải tạo 7 bãi san hô tranh chấp thành đảo nhân tạo, gồm 3 bãi đã có đường băng cho máy bay cất - hạ cánh, và nay chúng giống như các thành phố nổi được vũ trang hạng nặng, bao gồm tên lửa phòng không.
Bắc Kinh đang bị chỉ trích mạnh vì hành động quân sự hung hăng này, nhưng Trung Quốc tuyên bố có quyền xây dựng trên “lãnh thổ” của họ và sẵn sàng bảo vệ với bất kỳ giá nào.
Vẫn theo bản dự thảo Tuyên bố chung vốn không nêu tên Trung Quốc, nhưng phản ánh sự phân hóa trong nội bộ ASEAN về vấn đề nhạy cảm Biển Đông, thì các Bộ trưởng “ghi nhận sự quan ngại mà vài quốc gia thành viên ASEAN đã bày tỏ về hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông của Trung Quốc, điều đã làm xói mòn sự tin cậy lẫn nhau, làm tăng căng thẳng và có thể đe dọa hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực”.
AP cho biết Lào và Campuchia, hai quốc gia thành viên ASEAN, đã phản đối việc dùng ngôn ngữ mạnh để phản đối Trung Quốc trong việc tranh chấp Biển Đông.