Australia hợp tác với Mỹ và Anh chế tạo tàu ngầm hạt nhân

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông báo của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức cuộc họp trực tuyến hôm 15/9. Ảnh: Reuters
Ngày 15/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra thông báo chung về việc ba nước thiết lập quan hệ đối tác tam giác chiến lược có tên là AUKUS nhằm cùng nhau nâng cao năng lực an ninh và quốc phòng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo thông báo tại cuộc họp trực tuyến chung giữa ba nhà lãnh đạo hôm thứ Tư, dự án hợp tác chung đầu tiên là Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và khả năng chế tạo các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân mà sử dụng hệ thống đẩy hạt nhân cho các tàu, để đề phòng các mối đe dọa trong tương lai.
Thủ tướng Australia Morrison cho biết, các tàu ngầm hạt nhân này sẽ được đóng tại bang Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân” - Thủ tướng Morrison nêu rõ.
Phát biểu tại cuộc họp chung, Tổng thống Biden nêu rõ: “Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn. Chúng ta cần giải quyết cả môi trường chiến lược hiện tại trong khu vực và đưa ra những giải pháp phát triển quan hệ hợp tác nhằm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, tồn tại và phát triển trong những thập kỷ tới”.
Thủ tướng Boris Johnson gọi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia, đồng thời nhấn mạnh rằng dự án hợp tác sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm cho thế giới an toàn hơn.
Phía Anh cho biết, chương trình hợp tác sản xuất tàu ngầm hạt nhân kéo dài 18 tháng đặt mục tiêu sản xuất chiếc tàu ngầm đầu tiên tại Australia càng sớm càng tốt.
Theo các quan chức Mỹ, tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp hải quân Australia có thể thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài hơn và nâng cao sức mạnh quân sự của nước này tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Washington và các đồng minh đang tìm cách hạn chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là việc triển khai hoạt động quân sự tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp.
Trong cuộc họp trực tuyến hôm 15/9, lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia không đề cập đến Trung Quốc. Trong khi đó, Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden, nói với báo chí trước cuộc họp rằng động thái thành lập liên minh mới không nhằm chống lại Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phản đối quyết định trên khi nói rằng các nước "không nên xây dựng các khối loại trừ nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba." "Đặc biệt, họ nên rũ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và định kiến ​​ý thức hệ", tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu rõ./.