Cả ba dự án đều đang chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật là do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Vướng ngầm, vướng nổi
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 2) tập trung hạ cốt đê, cải tạo, mở rộng đoạn đường Âu Cơ - Nghi Tàm. Đây là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô, kết nối gần nhất với trung tâm hành chính Ba Đình và sân bay quốc tế Nội Bài, mật độ giao thông luôn đông đúc. Tuy nhiên, mặt đường hiện trạng chỉ có bề rộng 8 - 9m, hai làn xe; thiếu đồng bộ, thường xuyên ùn tắc kéo dài. Do vậy, việc chỉnh trang, cải tạo là rất cần thiết.
Việc rào chắn kéo dài để phục vụ thi công đường Âu Cơ – Nghi Tàm đã gây rất nhiều khó khăn cho việc lưu thông của người dân trong thời gian dài vừa qua. Song song với đó, dự án mở rộng, nâng cấp đường Xuân Diệu của quận Tây Hồ cũng đã chậm trễ so với kế hoạch dự kiến nhiều tháng qua, góp phần đẩy áp lực giao thông khu vực Âu Cơ – Nghi Tàm – Xuân Diệu lên mức báo động.
Cả hai dự án này hiện đều đang gặp vướng mắc trong khâu GPMB. Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, dự án mở rộng đường Xuân Diệu đã hoàn thành thảm thô mặt đường, cơ bản thông tuyến kỹ thuật đảm bảo cho người dân lưu thông. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc 15 hộ gia đình chưa GPMB, trong đó đã có 4 hộ chấp thuận phương án đền bù. Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho hay, dự án mở đường Âu Cơ – Nghi Tàm có tuyến cáp ngầm 110KV chưa được di dời. Ngoài ra lượng đất thải đào lên khi hạ cốt đê chưa được bố trí chỗ đổ nên chưa thể thi công cấp tập.
Còn với dự đường Vành đai 3,5, Giám đốc Ban QLDA huyện Hoài Đức Phạm Gia Lộc cho biết, tổng chiều dài toàn tuyến do huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư dài 4,9km, được chia làm hai giai đoạn. Đoạn 1 đã hoàn thiện 95% khối lượng; đoạn 2 hoàn thiện 55% khối lượng, còn lại phần qua khu di chỉ Vườn Chuối và điểm đấu nối hạ tầng quan đường tỉnh 422B và đường xã Di Trạch. Hiện dự án còn vướng mắc 3 nội dung GPMB, chưa thu hồi được đất tại các vị trí: Khu di chỉ Vườn Chuối, khu vực đất quốc phòng và 2 ngôi mộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, vướng mắc GPMB là điểm yếu cố hữu khiến rất nhiều dự án giao thông chậm tiến độ, gây thiệt hại, lãng phí, khó khăn cho tất cả các bên liên quan và người dân. Tại ba dự án nêu trên, có khó khăn đã lường trước được ngay từ đầu nhưng địa phương và chủ đầu tư không có sự chuẩn bị tốt nhất để giải quyết nhanh chóng như việc bồi thường, tái định cư, thu hồi đất đối với người dân, tổ chức. Có khó khăn khách quan quá trình triển khi dự án mới phát sinh như việc phát lộ khu di chỉ Vường = Chuối tại dự án đường Vành đai 3,5.
Dám quyết, dám làm
Ngay tại buổi kiểm tra hiện trường dự án đường Vành đai 3,5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo: “Liên quan đến di chỉ Vườn Chuối, yêu cầu Sở VHTT&DL phê duyệt phương án giao cho UBND huyện Hoài Đức khảo sát, khai quật. Phấn đấu quý III/2023 sẽ bàn giao trước một nửa mặt cắt ngang của khu di chỉ (khoảng 6.000m) nằm trên chỉ giới đường đỏ để thực hiện dự án”. Đối với 151m2 đất quốc phòng, UBND TP cũng đã có văn bản gửi Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) đề nghị phối hợp bàn giao, về cơ bản là thuận lợi. Đối với 2 ngôi mộ nằm trong dự án, địa phương cần tích cực tuyên truyền vận động người dân di chuyển.
Còn hai dự án hiện đang thi công trong khu vực đường Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu, đã có rất nhiều ý kiến cử tri, Nhân dân... về việc chậm tiến độ, gây UTGT. Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu: “Đối với dự án nút giao An Dương - đường Thanh Niên (giai đoạn 2) không thể kéo dài thêm thời gian, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải nỗ lực hoàn thiện trước tháng 6/2024. Đất khi đào đê, TP thống nhất cho di chuyển về các khu vực đảo giao thông, vườn hoa, công viên”.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng phải có báo cáo về phương án tập kết đất sau khi đào đê ngay trong tuần này. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư dự án, xây dựng kế hoạch hạ ngầm đường điện và lồng ghép chặt chẽ với kế hoạch thi công dự án. Dự án mở rộng đường Xuân Diệu phải hoàn thành trong năm 2023 để đồng bộ, bổ trợ cho dự án nút giao An Dương - đường Thanh Niên khi hoàn thiện vào năm 2024. Công tác GPMB phải đảm bảo công bằng, minh bạch, tránh tình trạng người dân chấp hành đi trước lại thiệt thòi hơn so với người chậm trễ đi sau.
Có thể thấy lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm đến việc triển khai các dự án giao thông, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tuy nhiên, việc triển khai vào thực tế lại rất cần tinh thần trách nhiệm, dám quyết, dám làm của các đơn vị, địa phương liên quan. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, nếu có được tinh thần triển khai công tác như với dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, chắc chắn mọi dự án giao thông sẽ suôn sẻ ngay từ đầu. Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đôn đốc, quy trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương khi để dự án chậm tiến độ.
Việc thiếu chỗ đổ đất thải, chậm di dời đường điện, hay loay hoay với công tác khảo sát, nghiên cứu di chỉ Vườn Chuối... cần tìm ra nguyên nhân do đâu, đơn vị nào chậm trễ đưa ra giải pháp, phối hợp không chặt chẽ. Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu để nêu gương, nếu không các dự án sẽ còn chậm dài dài.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng