Ông Stanislaw Zaryn - người phát ngôn của Bộ An ninh quốc gia Ba Lan, ngày 2/4 đã bác bỏ cáo buộc của Nord Stream AG - nhà điều hành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, rằng nước này đang khiêu khích dự án khí đốt của Nga.
Ông Zaryn nhấn mạnh rằng quân đội Ba Lan không tham gia vào bất kỳ hành động quấy rối nào tại khu vực thi công dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Người phát ngôn Zaryn lưu ý thêm rằng, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đặt ra "các mối đe dọa an ninh quốc gia và an ninh năng lượng nghiêm trọng" không chỉ đối với Ba Lan, mà còn đối với Ukraine và các nước trong khu vực Baltic, song không nêu chi tiết về tuyên bố của mình.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Bộ An ninh quốc gia Ba Lan đưa ra sau khi họ bị Nord Stream AG cảnh báo có hành động khiêu khích chống lại dự án đưa khí đốt từ Nga sang Đức.
Trước đó, công ty Nord Stream 2 AG cáo buộc Ba Lan có hành động khiêu khích sử dụng tàu quân sự, tàu cá và một máy bay xâm phạm khu vực an toàn của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Ông Andrey Minin - Giám đốc Chi nhánh của Nord Stream AG, cho biết, địa điểm thi công dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đã bị nhiều tàu và máy bay quấy rối trong những tuần gần đây, điều này đang làm hư hỏng đường ống.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 hôm 28/3 đã gặp tình huống nguy hiểm khi một tàu ngầm không xác định đã xuất hiện ở khoảng cách chưa đầy 1 dặm trong khu vực an toàn của tàu rải ống Fortuna của Nga.
"Các dây neo của tàu rải ống Fortuna nằm ở khoảng cách trên 1 dặm, hành động của tàu ngầm có thể khiến toàn bộ hệ thống định vị neo của sà lan đường ống không hoạt động và dẫn đến hư hỏng đường ống" - ông Minin cho hay.
Ông Minin nói rằng, thông thường các dự án tương tự như Dòng chảy Phương Bắc 2 được thiết lập khu vực an toàn 1,5 dặm (khoảng 2,5km). Nord Stream AG nói rằng họ đã đệ trình một số khiếu nại lên chính quyền Đức về những trường hợp quấy rối việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2.
Dòng chảy phương Bắc 2, hiện đã hoàn thành hơn 95% khối lượng xây dựng, là hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, nằm trong vùng lãnh hải của Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nga và Thụy Điển.
Ba Lan, Ukraine và Mỹ nằm trong số những nước phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, khi cáo buộc rằng Moscow sẽ sử dụng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên làm đòn bẩy chính trị ở châu Âu. Tuy nhiên, Điện Kremlin và Berlin đã bác bỏ những lo ngại trên, đồng thời khẳng định đây là một dự án kinh tế thuần túy.