Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba nguyên nhân khiến chất lượng không khí Hà Nội chạm ngưỡng “kém” và “xấu”

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo kết quả quan trắc tại 35 trạm trên địa bàn thành phố Hà Nội, xu hướng AQI trong các ngày gần đây thường tăng cao do ảnh hưởng của khối không khí lạnh trong khu vực. Chất lượng không khí sáng ngày 13/12 chạm ngưỡng “xấu” (màu đỏ nên người dân cần hạn chế các ra ngoài trời trong khoảng thời gian này.

Cụ thể, tại thời điểm 9h sáng ngày 13/12 có 19/35 trạm chạm ngưỡng “kém” (màu cam), còn lại chạm ngưỡng “xấu” (màu đỏ), chất lượng không khí (CLKK) giảm mạnh.
 

Chất lượng không khí lúc 9h ngày 13/12/2020 chủ yếu là “kém”, “xấu”

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 3 yếu tố chính gây ra hiện tượng này. Thứ nhất là các chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động hàng ngày như sinh hoạt, giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, khói thải từ các điểm đốt rác tự phát tràn lan đặc biệt xảy ra nhiều tại các khu vực ngoại thành, chất ô nhiễm có thể tồn tại nhiều ngày trong một khu vực nếu không được khuếch tán. Thứ hai là do ô nhiễm từ các vùng lân cận, từ bên ngoài vào Hà Nội. Thứ ba là do sự thay đổi của thời tiết.
Trong đó, sự thay đổi của thời tiết tác động rõ rệt nhất đến sự tăng – giảm chất lượng không khí trong những ngày qua. Thời tiết ở Hà Nội đang trong giai đoạn khô hanh, tốc độ gió thấp (lặng gió), ban ngày có nắng, về đêm nhiệt độ giảm mạnh là điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vào buổi tối nhiệt độ không khí giảm mạnh, dưới điều kiện lặng gió khiến bụi mịn PM2.5 từ sát mặt đất không thể phát tán lên cao và đi xa. Chỉ đến khi ban ngày có ánh nắng, nhiệt độ tăng lên, các chất ô nhiễm và bụi mịn được phát tán đi phần nào. Cho nên, hiện tại, trời bắt đầu hửng nắng, gió nhẹ, CLKK đang có xu hướng cải thiện.
Trong tình trạng CLKK như hiện nay, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo mọi người nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Đặc biệt, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ nhỏ, những người mắc bệnh về hô hấp, suy giảm sức đề kháng… nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Đặc biệt, người dân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo và thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của Thành phố: moitruongthudo.vn.