Với khí hậu ấm áp quanh năm cùng điều kiện đất đai đa dạng, từ đất ven biển đến đất núi và đồng bằng, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng cấu trúc cây trồng, từ cây lương thực, cây ăn quả đến cây công nghiệp. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có những bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách đầu tư và định hướng đúng đắn từ các cấp chính quyền, trong đó ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Việc đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sản xuất theo chuỗi, kết hợp với phát triển công nghiệp, du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học đã thực sự “đổi màu” cho những cánh đồng của Bà Rịa - Vũng Tàu, mang tới hình ảnh trù phú, sôi động và hiện đại khắp các vùng nông thôn nơi đây.
Nhắc đến nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu là nhắc tới một vùng nông sản phong phú. Nơi đây nổi tiếng với hồ tiêu, cà phê, ca cao cùng các loại trái cây nổi tiếng thơm ngon như bơ, sầu riêng, nhãn, dừa, măng cụt…
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện tỉnh có khoảng 13.723 ha cây ăn trái, trong đó, cây nhãn chiếm diện tích nhiều nhất với hơn 1.754 ha, tổng sản lượng ước khoảng 21.000 tấn/năm.
Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều giống nhãn như nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, nhãn tiêu. Đây là những giống nhãn nức tiếng có giá bán luôn ở mức cao. Cụ thể, giá nhãn bắp cải có giá 150.000 đồng/kg, giá nhãn tiêu 120.000 đồng/kg, nhãn xuồng bao công 50.000 đồng/kg và xuồng cơm vàng khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg…
Với hương vị ngon ngọt, cùi dày, có màu vàng đặc trưng ít nơi nào có được, cây nhãn của Bà Rịa - Vũng Tàu đã được bán trong các hệ thống siêu thị lớn tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất đi thị trường Trung Quốc, Nhật Bản… Nhờ vậy, nhiều năm qua, nhãn không chỉ là cây đặc sản mà còn là cây “xóa đói giảm nghèo” bền vững cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Một loại trái cây có sản lượng lớn khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu là sầu riêng. Hợp tác xã Sầu riêng Liên Đức (huyện Châu Đức) hiện đã có vùng nguyên liệu 23ha, chủ yếu là sầu riêng Ri 6 và sầu riêng Thái. Ngoài Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền và Đất Đỏ là những huyện có nhiều vùng nông nghiệp nổi tiếng và được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.
Các vườn nguyên liệu và nông sản nổi tiếng tại đây không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc như các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.
Trong Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng, Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra mục tiêu “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn, an toàn; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, gắn với phát triển công nghiệp, du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học”.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nông thôn. Tính đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 400 cơ sở sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao.
Vùng sản xuất tập trung tại Châu Đức, Đất Đỏ, Phú Mỹ, Xuyên Mộc với quy mô diện tích hơn 4600 ha. Các công nghệ hiện đại như nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh… được ứng dụng trên nhiều loại rau và cây ăn quả lẫn cây công nghiệp, giúp quá trình sản xuất thân thiện hơn với môi trường tự nhiên, tối ưu hoá nguồn nước ngọt và giảm thiểu nhân công.
Ông Trần Văn Dững, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, cho biết, thời gian qua địa phương đã tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu VietGAP, hữu cơ và thực hiện đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng vùng sản xuất nhãn ứng dụng công nghệ cao với khoảng 1.000 ha áp dụng các kỹ thuật tưới, bón phân tự động, ứng dụng công nghệ sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp để phòng trừ dịch bệnh. Một hệ thống xử lý bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhãn cũng được áp dụng trên quy mô đại trà giúp người nông dân tối đa hóa sản lượng và giá trị kinh tế.
Cũng theo ông Dững, sản xuất ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao… mà còn đảm bảo đầu ra bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Do đó giá trị sản xuất được nâng lên rất nhiều so với sản xuất thông thường.
Nhờ hàng loạt lợi ích rõ rệt, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, hiện tại và trong những năm tới vẫn tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tạo quỹ đất sạch với hàng ngàn héc ta tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
"Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao không chỉ để tăng năng suất chất lượng và thu nhập mà còn để xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Chính quyền và các ngành chức năng luôn hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế hộ gia đình sang trang trai và doanh nghiệp. Và để có cơ sở phát triển hơn nữa ngành này, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư các hạ tầng thiết yếu đến các khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao", lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao những năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực triển khai nhiều mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, đón bắt xu hướng du lịch mới.
Phương thức này không những mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường vùng nông thôn, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo đà cho phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
Huyện Châu Đức đi đầu trong phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch với khoảng 10 điểm du lịch homestay kết tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đặc sản. Từ đầu năm 2023 đến nay, các điểm đến mới lạ này đã đón khoảng 200.000 lượt du khách và người dân đến vui chơi, nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần. Cách làm này giúp du khách nhận được những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời gia tăng niềm tin khi mua các sản phẩm nông sản sau khi tham quan trực tiếp.
Huyện Long Điền cũng có cách làm hay khi kết nối các doanh nghiệp lữ hành mở tour đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống. Nhiều địa phương tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang tăng cường kết nối, đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, góp phần gìn giữ và phát triển các vùng văn hoá cổ đậm chất Nam bộ, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân địa phương.
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp triển vọng gắn với du lịch. Nổi bật trong số đó là mô hình như nuôi ong dú lấy mật, nhãn xuồng cơm vàng, tiêu bầu mây ở huyện Xuyên Mộc; các vườn trồng nhãn măng cụt và dừa ở huyện Đất Đỏ; hay mô hình trang trại nuôi cá chình, cá nước ngọt, trồng nấm linh chi ở huyện Châu Đức.
Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm các nông sản nổi tiếng địa phương để quảng bá và kết nối giao thương, trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Có thể thấy, du lịch nông nghiệp không những cải thiện, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập mà còn giúp người nông dân thay đổi lớn về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, du lịch nông nghiệp, sinh thái còn rất phù hợp với xu hướng kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đang được ưu tiên, khuyến khích ở nước ta và thế giới, giúp hút lượng khách hạng sang từ quốc tế đến Việt Nam.
“Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn tỉnh", ông Mai Minh Quang - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.
12:05 20/12/2023