Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong thời gian gần đây, các vi phạm về hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng tinh vi. Người tiêu dùng lúng túng trước thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng thật, giả khó lường. Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng nhái, giả ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả thời thương mại điện tử cũng khiến hàng giả thêm khó kiểm soát.
Chỉ tính riêng quý III/2020 (từ 15/6-15/9), Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra tổng số vụ vi phạm là 79 vụ, chủ yếu xử lý hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả... Trong đó, có nhiều vụ việc lớn, như: Ngày 23/6/2020, Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất Bia BIVA, tại địa chỉ 4, ấp Bắc 2, xã Hòa Long, TP Bà Rịa, do ông Vũ Tuấn Châu là chủ hộ kinh doanh.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm; 116.700 vỏ lon bia, loại 330ml và 3.300 vỏ thùng bia. Trên bao bì sản phẩm (gồm lon và vỏ thùng) đều thể hiện thông tin: sản phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (địa chỉ: lầu 9 toà nhà Vincom, số 72 Lê Thánh Tông, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Trên lon bia thành phẩm và vỏ lon bia có in dấu hiệu “BIA SAI GON VIETNAM và hình khiên đứng” tại mặt trước, mặt sau lon bia và dấu hiệu “BIA SAIGON VN” ở mặt bên lon bia.
Trên vỏ thùng bia thành phẩm và vỏ thùng giấy có in dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên khuyết” ở mặt trên của vỏ thùng và dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình con rồng” ở góc phải bên trên mặt của vỏ thùng.
Các dấu hiệu ghi trên là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu BIA SAIGON đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hoá ghi trên để tiếp tục xác minh và làm rõ. Do hồ sơ có dấu hiệu tội phạm nên Đội Quản lý thị trường số 1 đã bàn giao toàn bộ hồ sơ về Cục Quản lý thị trường tỉnh chuyển Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 09/9/2020 Công an tỉnh đã ban hành Quyết định số 85/QĐKTVA-CSKT – Quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành tiêu hủy 12.584 sản phẩm hàng hóa các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Cũng qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Chẳng hạn như vụ kinh doanh hàng gia dụng nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh, hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của Cửa hàng tạp hóa Online Famshop, tại địa chỉ 28/11 đường 30/4, Phường 9, TP Vũng Tàu. Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 16,5 triệu đồng đối với chủ cửa hàng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và không rõ nguồn gốc, tịch thu toàn bộ số hàng hóa là 3.608 sản phẩm hàng gia dụng các loại để xử lý theo quy định.
Ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, theo quy luật, thị trường hàng giả, hàng nhái bắt đầu nhộn nhịp từ dịp Tết Trung thu và xuất hiện từ các sạp hàng chợ đến những cửa hàng sang trọng tại các tuyến phố... Những mặt hàng được làm nhái, giả rất đa dạng, từ rượu bia, bánh kẹo, quần áo đến mỹ phẩm, giầy dép, túi xách…, đến cả những mặt hàng công nghệ, khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo ngại.
Để bảo đảm thị trường hàng hóa được minh bạch, thuận lợi trong sản xuất, lưu thông, nhất là dịp cao điểm cuối năm, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ nay đến trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các chuyên đề về các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến… Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng khác triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm đang tồn tại trên địa bàn.