Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba tỉnh Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch tâm linh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/8, lễ ký kết hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng giữa 3 tỉnh Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ đã diễn ra tại huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai.  Đây là sự liên kết thuộc khung chương trình hành động hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010-2015, đồng thời là điểm nhấn quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động đang diễn ra tại Lễ hội Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai) diễn ra vào ngày 17/7 (âm lịch) hàng năm.

Kinhtedothi - Ngày 12/8, lễ ký kết hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng giữa 3 tỉnh Lào Cai-Yên Bái-Phú Thọ đã diễn ra tại huyện Bảo Yên tỉnh Lào Cai. 

Đây là sự liên kết thuộc khung chương trình hành động hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giai đoạn 2010-2015, đồng thời là điểm nhấn quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động đang diễn ra tại Lễ hội Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai) diễn ra vào ngày 17/7 (âm lịch) hàng năm.
Một hoạt động tại lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Phú Thọ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Một hoạt động tại lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Phú Thọ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Chương trình hợp tác phát triển tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng nhằm phối hợp khai thác hợp lý lợi thế du lịch tâm linh của ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, tạo ra sản phẩm du lịch mới hấp dẫn phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách, góp phần thu hút khách đến với các địa phương. 

Chương trình hợp tác gồm 3 nội dung chính là hợp tác trong công tác quản lý, hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng sẽ bắt đầu từ Đền Mẫu Âu Cơ thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) tới Đền Đông Cuông - một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Tiếp đó, du khách sẽ được đến Đền Bảo Hà, thuộc xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, còn được gọi là đền ông Hoàng Bảy.

Sau đó, du khách sẽ đến Đền Đôi Cô (nằm tại thôn Chiềng On, xã Cam Đường, thị xã Lào Cai, nay thuộc phường Bình Minh, thành phố Lào Cai), rồi tới Đền Thượng - một trong những danh thắng lịch sử của vùng Đông Bắc, thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tọa lạc bề thế trên ngọn đồi thuộc khu vực phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, cách cửa khẩu quốc tế Lào Cai gần 500m.

Điểm đến cuối cùng trong tuyến du lịch tâm linh dọc sông Hồng là Đền Mẫu nằm trên thành phố Lào Cai, được xây dựng từ thế kỷ 18 ở vị trí cửa ngõ biên giới quốc gia, trên trục đường giao thương hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Lễ hội Đền Bảo Hà năm nay có sự tham gia của đại diện các đền như Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), Đền Mẫu Nhị Thượng Ngàn (Yên Bái), Đền Thượng, Đền Cô Đôi (Lào Cai).

Từ đầu tháng Bảy âm lịch đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 khách thập phương đến Đền Bảo Hà (Bảo Yên) chiêm bái. Đặc biệt, những ngày gần Lễ hội Đền Bảo Hà (ngày 17/7 âm lịch), lượng khách thập phương đến đây tăng đột biến, khoảng 5.000 người/ngày, tăng gấp 10 lần so với những ngày thường.

Trong chương trình lễ hội năm nay, ban tổ chức cũng triển khai nhiều hoạt động sôi nổi như Hội chọi trâu, giao lưu văn nghệ, thể thao... thu hút đông đảo nhân dân và du khách tới thưởng lãm, cổ vũ.