Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, du lịch Ba Vì đang từng bước phục hồi, hút khách trở lại. Với sự đầu tư trọng điểm, bài bản, Ba Vì đang phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào phát triển du lịch Thủ đô.

Đổi mới để hút khách

Ba Vì là huyện thuộc vùng bán sơn địa ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch rất phong phú. Trong đó vùng núi Ba Vì có diện tích 12.000ha với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp gắn liền với sông, hồ, suối, thác...

Nhiều hoạt động chào đón khách tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú
Nhiều hoạt động chào đón khách tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú

Bên cạnh đó, huyện cũng sở hữu nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Mường, Dao và mạng lưới giao thông thuận lợi. Những yếu tố này góp phần đưa Ba Vì đã trở thành điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi hấp dẫn của du khách Thủ đô và các vùng phụ cận.

Hiện nay, vùng với những khu du lịch nổi tiếng đã hình thành từ lâu như Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn - Suối Ngà... các loại hình du lịch nhà vườn, homestay cũng xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách.

Chỉ tính riêng 3 xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh đã có tổng số 75 cơ sở lưu trú nhà nghỉ, nhà vườn, homestay. Tuy nhiên, quy mô của các cơ sở này còn ở mức vừa và nhỏ (từ 10 - 30 phòng), đa số hoạt động theo mô hình kinh doanh hộ gia đình.

Trong năm 2022, nhằm kích cầu du lịch cũng như thu hút du khách thập phương về trải nghiệm trên địa bàn, huyện Ba Vì đã lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện lớn như Festival nông sản, Lễ hội khinh khí cầu gắn với hoạt động trải nghiệm và trình diễn hoa dã quỳ tại Vườn Quốc gia Ba Vì...

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, CEO Công ty CP Truyền thông và Sự kiện AHA (Hà Nội) Nguyễn Quyết nhận định, với những tiềm năng sẵn có và thuận lợi về giao thông, lại gần trung tâm Hà Nội, Ba Vì luôn là địa điểm được nhiều du khách, công ty hay trường, lớp lựa chọn du lịch hay tổ chức sự kiện vào cuối tuần.

“Ngoài việc thưởng lãm cảnh sắc của núi rừng Ba Vì, du khách còn được trải nghiệm một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch chăm sóc sức khỏe; tắm thảo dược; nghỉ dưỡng tại Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, Melia Resort; thăm vườn hoa hồng tại Paragon Resort hay như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - tâm linh tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Ba Trại, Cổ Đô, Minh Quang…” - ông Nguyễn Quyết cho biết.

Cùng với tài nguyên thiên nhiên, Ba Vì còn sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được biết đến như cái nôi của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh hay các phong tục, tập quán đặc sắc của người Dao, Mường sinh sống, thu hút khách du lịch. Trong đó, điển hình là xã Ba Vì có khoảng gần 2.100 nhân khẩu người Dao và là nơi vẫn còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như phong tục Tết nhảy, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm.

“Huyện Ba Vì phấn đấu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm. Huyện cũng định hướng phát triển các khu du lịch quy mô lớn hiện đại và đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm. Trong đó tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững” – Trưởng phòng VH&TT huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết.

Ba Vì, trải nghiệm xanh - an toàn

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, năm 2021, Ba Vì chỉ đón được 725.000 lượt khách du lịch (giảm 61,47% so với cùng kỳ năm 2020), doanh thu đạt 110,5 tỷ đồng (giảm 59,67% so với cùng kỳ). Đặt mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch, năm 2022, huyện đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách trong bối cảnh bình thường mới. 100% đơn vị, khu, điểm và cơ sở kinh doanh vào cuộc, chỉnh trang lại khuôn viên, chuẩn bị tốt các sản phẩm du lịch để đón khách.

 Người dân đến trải nghiệm tại Khu du lịch Ao Vua. Ảnh: Ngọc Tú
 Người dân đến trải nghiệm tại Khu du lịch Ao Vua. Ảnh: Ngọc Tú

Ngoài các sản phẩm đã có, Ba Vì đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm mới nhưng giữ được bản sắc văn hóa bản địa như khôi phục Lễ hội chợ phiên Mường - Dao tại Khu du lịch sinh thái Bản Coốc (xã Minh Quang), chợ phiên, tái hiện tục vác nước đầu Xuân của già làng Mường, văn hóa chiêng Mường hay tham quan vườn chè, vườn thuốc Nam của dân tộc Dao...

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, du lịch, văn hóa, huyện đã phối hợp với các đơn vị du lịch chỉnh trang, nâng cấp sản phẩm du lịch. Qua đó xây dựng hình ảnh Ba Vì là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

“Nhắc đến Ba Vì, du khách nghĩ ngay đến vùng đất giàu tiềm năng du lịch về sinh thái - nghỉ dưỡng và đậm đà bản sắc dân tộc. Thiên nhiên đã ưu ái trao cho huyện Ba Vì nhiều khu danh thắng, nghỉ dưỡng. Tận dụng điều kiện sẵn có, huyện Ba Vì đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, đơn vị, hiệp hội, trung tâm xúc tiến, trung tâm lữ hành, DN tăng cường đầu tư, hợp tác, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, phối hợp đưa đón khách tham quan du lịch, hướng đến một “Ba Vì, trải nghiệm xanh - an toàn” trong năm 2022”– ông Đỗ Mạnh Hưng cho biết.

Ba Vì là địa điểm được nhiều du khách, công ty hay trường, lớp lựa chọn du lịch hay tổ chức sự kiện vào cuối tuần.
Ba Vì là địa điểm được nhiều du khách, công ty hay trường, lớp lựa chọn du lịch hay tổ chức sự kiện vào cuối tuần.

Cùng với tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, huyện Ba Vì còn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn với các điểm du lịch vùng lân cận như làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), đền Hùng (Phú Thọ)…

Huyện cũng định hướng phát triển khu vực hồ Suối Hai thành khu du lịch quốc tế có quy mô lớn với các sản phẩm đa dạng như sân golf, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, câu lạc bộ thể thao trên bờ và dưới nước, vui chơi giải trí, khách sạn… đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh.

Ngoài ra, phát triển khu vực nước khoáng nóng Thuần Mỹ thành khu du lịch nghỉ dưỡng với các khu resort cao cấp. Tập trung đầu tư, phát triển khu vực sườn Tây núi Ba Vì như: Vườn Quốc gia Ba Vì, vành đai các điểm du lịch dã ngoại cắm trại dọc theo tuyến du lịch cos 100; các trang trại, nhà vườn dọc khu vực phía Tây Tỉnh lộ 415; hồ suối Bóp khu vực Khánh Thượng; du lịch sinh thái xóm Di, xã Ba Vì; khu du lịch suối Cái - đền Trung; khu du lịch sinh thái Chùa Kho - suối Mít; khu du lịch sinh thái thung lũng Tản Viên...

 

"Huyện Ba Vì cần tổ chức quy hoạch, phát triển và quản lý các khu, điểm du lịch một cách quy củ, bài bản, phát huy tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển các sản phẩm du lịch quy mô quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng các mô hình du lịch xanh, đậm đà bản sắc riêng của Ba Vì, tiến tới mở rộng các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới như trải nghiệm leo núi, khám phá thiên nhiên, du lịch đường sông, chăm sóc sức khỏe… Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phát triển du lịch nhanh và bền vững." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

------

"Huyện đã thực hiện việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các xã có khu du lịch tích cực giữ gìn môi trường, đảm bảo cảnh quan, an ninh trật tự, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử thân thiện với du khách. Đồng thời tăng cường quảng bá bằng việc xây dựng cẩm nang giới thiệu về du lịch Ba Vì; triển khai số hóa du lịch, hướng dẫn viên điện tử và phiên dịch ảo từ 3 - 5 thứ tiếng; lập sơ đồ điện tử, cẩm nang điện tử phim ảnh 3D cho các khu di tích và khu du lịch để đăng tải trên các website..." - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng