Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì: hoàn thành 15/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII

Ngọc Tú - Xuân Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đảng bộ huyện Ba Vì đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/16 chỉ tiêu nghị quyết với nhiều kết quả nổi bật như tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 4,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm...

Ngày 3/12, Đoàn khảo sát số 2, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản làm Trưởng đoàn làm việc với Đảng bộ huyện Ba Vì về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị đã báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Cụ thể, Đảng bộ huyện Ba Vì đã hoàn thành và vượt 15/16 chỉ tiêu nghị quyết với nhiều kết quả nổi bật như: tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 4,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/người/năm; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 46,6% xã đạt nông thôn mới nâng cao, 16,7% xã đạt kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022.

Đến nay, huyện Ba Vì không còn hộ nghèo. Toàn huyện huy động được hơn 170 tỷ đồng từ cộng đồng trong phong trào "Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", sửa chữa được 413km đường, trồng gần 45.500 cây xanh và lắp đặt gần 39.000 đèn chiếu sáng.

Toàn huyện Ba Vì có 397 di tích lịch sử, trong đó 134 di tích được xếp hạng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã triển khai 44 dự án bảo tồn di tích với tổng mức đầu tư 1.297 tỷ đồng, nhiều dự án nổi bật như nâng cấp hệ thống đình, đền, chùa, góp phần thu hút du lịch. Huyện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất hằng năm; 80% số thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt 778,7 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2025 đạt 1.271 tỷ đồng.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng phát biểu tại hội nghị.

Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn được chú trọng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện kết nạp 1.238 đảng viên mới; hơn 80% tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hàng năm; chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua mô hình "Chi bộ bốn tốt" được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin như "Sổ tay đảng viên điện tử" được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Vì nhiệm Kỳ 2020 - 2025 vẫn còn có những hạn chế nhất định. Đó là công tác quy hoạch còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến việc khai thác tiềm năng và lợi thế của địa phương; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại các nông lâm trường trạm trại trên địa bàn huyện gặp khó khăn do chưa phân định rõ ràng chủ thể quản lý, làm chậm trễ tiến độ xử lý các vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra đã có hiệu lực pháp luật…

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra 16 nhóm chỉ tiêu chính, 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện. Cụ thể, cải cách hành chính và chuyển đổi số; hoàn thiện và quản lý tốt quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị và du lịch; tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm bảo đảm tính kết nối khu vực, kết hợp với xây dựng hạ tầng nông thôn; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch trong cơ cấu kinh tế của huyện…

Tại hội nghị, các thành viên Đoàn khảo sát số 2 đã đánh giá cụ thể các mặt công tác của Đảng bộ huyện Ba Vì trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời đề nghị huyện cần làm rõ những vướng mắc liên quan quy hoạch lâm nghiệp; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội xây dựng xã đảo Minh Châu thành không gian du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng; phát triển hạ tầng, xây dựng huyện trở thành trung tâm du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng của Thủ đô…

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu kết luận hội nghị.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản đánh giá cao kết quả huyện Ba Vì đã đạt được, đồng thời yêu cầu huyện tiếp tục tập trung hoàn thành các mục tiêu còn lại của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII. 

"Huyện Ba Vì tiếp tục xác định du lịch nông nghiệp, sinh thái là trọng điểm phát triển trong tầm nhìn đến năm 2030. Huyện đã phân chia quy hoạch thành 8 phân khu, việc sớm triển khai các quy hoạch phân khu này để trình phê duyệt, đặc biệt là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng" - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.

Ngoài ra, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP đã định hướng Ba Vì là vùng trọng điểm du lịch, do đó huyện cần có kế hoạch đầu tư dài hạn, đặc biệt trong giai đoạn 2025 - 2030 và tầm nhìn xa hơn. Một số giải pháp cụ thể được đề cập bao gồm mở rộng các tuyến đường như đường Cuba, đường 32, và các tuyến kết nối trực tiếp vào các điểm du lịch, mục tiêu là rút ngắn thời gian di chuyển từ nội đô tới Ba Vì. Từ đó tăng cường khả năng thu hút du khách với đa dạng hóa các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đến các dịch vụ ở phân khúc trung, cao cấp.

"Huyện Ba Vì cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy sự phát triển. Các đề án và kế hoạch cần được xây dựng rõ ràng, phản ánh đường hướng phát triển của huyện trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ của dân tộc. Mục tiêu là tạo ra những bứt phá mới, góp phần vào sự thành công chung của Đảng bộ Thủ đô" - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết thêm.