Đền Thịnh Thôn là công trình kiến trúc tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Nơi thờ phụng thân mẫu của Hai Bà Trưng, bà Man Thiện thuộc dòng dõi các vua Hùng. Theo truyền thuyết và thần phả ghi năm Hồng Phúc thứ Nhất (1572), sau khu xung trận đánh giặc Đông Hán, bà đã hy sinh vào tháng 3 năm 43 sau Công nguyên. Bà Man Thiện sau khi tử trận đã trôi dạt về nhánh sông làng Thịnh Thôn, thuộc xã Cam Thượng. Nhân dân địa phương đã chôn cất bà tại cánh đồng Mả Dạ, từ đó dân làng đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao Bà tại nơi đây.
Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử, nối tiếp truyền thống uống nước nhớ nguồn, cán bộ và Nhân dân làng Thịnh Thôn vẫn luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ và phát huy những giá trị của di tích. Hiện nay, đền Thịnh Thôn còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm như Thần phả Chữ Hán, 7 đạo sắc phong, long ngai bài vị, quán tẩy bằng đồng…Với giá trị lịch sử văn hoá to lớn đó, năm 1992 Di tích đền Thịnh Thôn đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Đây được coi là niềm vinh dự và tự hào của cán bộ, Nhân dân huyện Ba Vì nói chung, xã Cam Thượng, làng Thịnh Thôn nói riêng.
Trải qua biến đổi thăng trầm của lịch sử, khuôn viên di tích cũng như hiện trạng ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, huyện Ba Vì đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Cam Thượng tiến hành khảo sát, lập dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử văn hoá đền Thịnh Thôn.
Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền Thịnh Thôn đã được phê duyệt triển khai đầu tư với quy mô lớn, đồng bộ gồm tổng thể các hạng mục kiến trúc, hạ tầng với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 vào năm 2019, giai đoạn 2 và 3 vào năm 2022. Tính đến nay, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hoá- lịch sử của di tích.