Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ba Vì miền mây thẳm

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngút ngàn cổ thụ ngút ngàn mây/Sông tràn bóng núi, núi tràn cây/Một miền sương trắng trong mây trắng/Những đỉnh phù vân ngây ngất say(Thơ Nguyễn Việt Chiến)

Mấy ngày Tết đầu năm, tôi lên thăm Ba Vì miền mây thẳm, một vùng huyền tích núi non xưa. Từ trên núi cao nhìn xuống, tôi thấy dòng sông Đà cuồn cuộn, quanh co uốn khúc dưới chân núi xa như một con rồng thấp thoáng ẩn hiện trong mây trắng.
 Toàn cảnh núi Ba Vì.
Miền núi thiêng này vốn nổi tiếng từ ngàn xưa với huyền sử thần Sơn Tinh (Thần núi Tản Viên - Ba Vì, là một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt) đã dựng núi chặn các đợt lũ quái của Thủy Tinh với ước vọng chinh phục thiên tai.

Và tôi như thấy, trong lãng đãng khói sương truyền thuyết huyền sử ngàn xưa, những câu thơ chợt đến như một niềm rung động sâu xa trong hồn người:
Hồn thiêng sông núi vẫn còn đây

Bình minh non Tản thắp sáng ngày

Hương khói ngàn năm sương khói phủ

Đỉnh Vua sừng sững dưới ngàn mây
Sông núi còn mơ thần Sơn Tinh

Huyền sử ngàn đời mãi lưu danh

Xăm mình, đóng khố, vây thủy quái

Đội trời, đạp đá chặn Thủy Tinh
Thăm thẳm non cao thăm thẳm rừng

Sông Đà một dải thắt lưng ong

Dáng mây ngọc nữ còn soi bóng

Trên đỉnh Ngọc Hoa nắng phiêu bồng

(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Lần du ngoạn này ở miền non cao núi thẳm, tôi ghé qua Melia Ba Vì - một khu nghỉ dưỡng cao cấp trên độ cao 600m (so với mực nước biển) có từ thời Pháp thuộc với hàng chục ngôi biệt thự, lâu đài nằm ẩn mình hài hòa dưới những vòm cây trong quần thể rừng nhiệt đới xanh mát quanh năm. Điều vô cùng đáng tiếc, sau những năm kháng chiến chống Pháp, những biệt thự nghỉ dưỡng ấy bị phá hủy và chỉ còn là những phế tích rêu phong đổ nát. Đến hôm nay, trên một số nền biệt thự cũ, khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì được khôi phục với kiến trúc được chắt lọc tinh tế, hài hòa với cảnh quan không gian thiên nhiên xung quanh để phục vụ cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của người dân Thủ đô.
Trên miền mây trắng tự ngàn xưa

Những lâu đài cũ mọc trong mơ

Ta theo mây trắng lên cùng gió

Em hóa thành sương cõi mịt mờ
Xanh thẳm rừng xưa dưới nắng trưa

Một miền phế tích ngủ trong mơ

Như nàng công chúa vừa thức giấc

Núi Tản sông Đà lãng đãng thơ
Ta học thiên nhiên cách chở che

Tiếng chuông huyền tích vẫn còn mê

Trên miền hoang phế bao năm cũ

Một mái nhà thờ xưa lắng nghe

(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Đánh giá về việc khôi phục một số phế tích biệt thự thời Pháp, KTS Vũ Hồng Thủy trong bài viết “Đánh thức người đẹp ngủ trong rừng” đã cho rằng: “Ngày nay cơ may đã trở lại với Ba Vì khi Bộ NN&PTNT có quyết sách nhằm đưa Vườn Quốc gia Ba Vì có thể phát huy những giá trị vốn có đồng thời tạo cơ hội cho Vườn Quốc gia có thể gìn giữ và phát triển một cách bền vững với các khu nghỉ dưỡng trên cốt 400 và 600 để phục vụ du khách tham quan, nghỉ dưỡng và cảm thụ các giá trị của hệ sinh thái độc đáo đa dạng của Ba Vì”.

Khi lang thang trên những nẻo rừng thơ mộng, trên những triền núi mùa Xuân rực rỡ hoa đào thắm ở miền mây thẳm Ba Vì, ngắm những đàn cò trắng như mây rải cuối trời, tôi thấy mình như đang lạc vào một cõi sống khác, một thế giới vô cùng bình yên cho con người được hòa mình vào với thiên nhiên, được hít thở khí trời trong lành sau chuỗi ngày phải sống trong mịt mờ bụi mịn ô nhiễm ở nội đô Hà Nội.
Non xanh nước biếc nắng vàng phơi

Cò trắng như mây rải cuối trời

Hồng hoa đang độ sim còn tím

Mấy nàng sơn nữ áo chàm tươi
Óng ả nắng vàng rực rỡ hoa

Hoa núi chiều thơm thung lũng xa

Tóc em thoang thoảng hương rừng vắng

Em gái xứ Đoài có nhớ ta
Ở đây cây lá như bè bạn

Ta hóa mây rồi em hóa trăng

Những đêm rừng thẳm nghe thao thiết

Mây núi ôm trăng mộng gió giăng

(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Sau chuyến du ngoạn ngắn đầu Xuân này, có một điều làm tôi vẫn băn khoăn, trăn trở là hiện còn khá nhiều các nền biệt thự cũ của Pháp ở cốt 600 và ở cốt cao hơn ở vùng rừng Ba Vì vẫn chỉ là những nền phế tích điêu tàn chưa được đầu tư, khôi phục để trở thành khu nghỉ dưỡng quý giá như một số nước đã đưa vào các Vườn Quốc gia để trở thành một nguồn lực quan trọng cho việc bảo tồn các di sản - di tích đó. Vậy chúng ta còn phải chờ đợi đến bao giờ?
Ta lên chót đỉnh Ba Vì xanh

Ta hóa mây cao chốn an lành

Ta hóa tiếng chim miền cổ tích

Hóa tiếng suối nguồn róc rách xanh

(Thơ Nguyễn Việt Chiến)
Ba Vì miền mây thẳm lúc nào cũng quyến rũ du khách, gợi hồn thơ.