Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Ba Vì Phùng Đăng Toàn cho biết: Đến nay tổng dư nợ của NHCSXH Ba Vì đạt 569,9 tỷ đồng, với 14 chương trình tín dụng ủy thác cho 15.346 hộ vay, tăng 58,3 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,9% kế hoạch được giao. Chất lượng tín dụng ủy thác duy trì ổn định, không có nợ quá hạn phát sinh.
Ông có thể nói rõ hơn về việc phối hợp với các hội, đoàn thể trong việc giải ngân vốn đến hộ gia đình và ngăn chặn nợ quá hạn phát sinh?
- Ngân hàng CSXH Ba Vì và các hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt các văn bản đã ký kết, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền những chủ trương chính sách tín dụng mới. Cũng như, nêu cao tinh thần trách nhiệm của hội đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của người vay sử dụng vốn và trả nợ đúng hạn quy định.
Hàng năm, khi có chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Ngân hàng CSXH TP Hà Nội giao, Ngân hàng CSXH Ba Vì tham mưu kịp thời cho UBND huyện phân bổ vốn về cho các xã, thị trấn. Đồng thời phối hợp với UBND cấp xã, hội đoàn thể nhận ủy thác để bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ và giải ngân kịp thời.
Ngân hàng CSXH Ba Vì thường xuyên phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể cấp huyện đến xã tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế hộ vay. Từ đó đôn đốc các hộ vay sử dụng đúng mục đích xin vay, đề xuất các giải pháp xử lý thu hồi nợ đến hạn, ngăn chặn nợ quá hạn phát sinh.
Các hộ nghèo dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì đã được quan tâm vay vốn ưu đãi ra sao?
- Huyện Ba Vì có 7 xã miền núi (Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại, Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng) với những hộ nghèo dân tộc thiểu số người Dao và Mường. Trên cơ sở kế hoạch được giao, Ngân hàng CSXH Ba Vì đã phối hợp với Phòng Dân tộc, hội đoàn thể huyện và UBND cấp xã rà soát đối tượng vay vốn và tạo mọi điều kiện để hộ nghèo dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg. Đến nay đã có 190 hộ nghèo dân tộc thiểu số là người Dao, Mường được vay với tổng số vốn 9.440 triệu đồng, lãi suất thấp (3.3%/năm), thời gian vay dài từ 3 - 5 năm.
Ngoài ra các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn được vay chương trình cho vay vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và cho vay học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 100 tỷ đồng. Các hộ gia đình này đã đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh với những ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: mua sắm máy móc, dụng cụ chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa nhà ở, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cho con đi học các trường đại học, cao đẳng ...
Từ nguồn vốn vay ủy thác đã góp phần giúp các hộ nghèo dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cuộc sống và để không ai bị bỏ lại phía sau.
Với những hộ nghèo khác cũng được Ngân hàng CSXH Ba Vì tạo điều kiện về vốn vay?
- Với việc thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn, từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng CSXH Ba Vì đã thực hiện giải ngân tại điểm giao dịch xã cho hơn 5.000 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các hộ chính sách khác vay vốn với số tiền 206,8 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó đã giúp cho trên 1.500 hộ thuộc diện nghèo thoát nghèo bền vững, 2.600 hộ đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, trên 1.400 lao động nông thôn được tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập ổn định.
Ngoài ra, có hơn 3.300 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; gần 1.000 HSSV được vay vốn để theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3,18% (đầu năm 2019) đến nay giảm còn 1,43%, góp phần tích cực vào việc giảm hộ nghèo, tạo việc làm cho người lao động, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Xin cảm ơn ông!