Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang: Ấm lòng giữa tâm dịch Việt Yên

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là điểm nóng nhất về dịch Covid-19 của tỉnh Bắc Giang với 3 khu công nghiệp phải dừng hoạt động, hàng vạn lao động đang ở trọ trên địa bàn bị ngưng việc, huyện Việt Yên gặp áp lực rất lớn về công tác chăm lo an sinh xã hội. Tuy nhiên, với sự chung tay của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, đời sống của người dân và công nhân lao động trong vùng cách ly vẫn được chăm lo đủ đầy.

Đội nắng đi thu hoạch rau mang đến cho công nhân
Vừa đi trao quà cho công nhân khu trọ về nhà, chưa kịp ngồi nghỉ uống nước thì điện thoại của Nguyễn Phương Linh - nhóm thiện nguyện Tâm Đức (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lại reo: “Linh à, cô có ruộng rau muống, cháu có lấy làm từ thiện thì lên cắt nhé!”.
Gần trưa, nắng nóng rát mặt, mồ hôi đầm đìa ướt sũng người vì đang mặc quần áo bảo hộ khi đi trao quà, uống vội cốc nước mát, Linh lại bốc điện thoại hô hào các thành viên trong nhóm đi thu hoạch rau để kịp sơ chế, phân chia chiều mang trao cho công nhân, người lao động đang ở trọ bị cách ly.
 Thành viên nhóm thiện nguyện Tâm Đức đội nắng thu hoạch ngô, rau về mang đi trao tặng công nhân khu cách ly. 
Dù nắng nóng nhưng nhận được tin, các thành viên trong nhóm thiện nguyện Tâm Đức lại hối hả chuẩn bị dao, liềm, bao tải để đi thu hoạch rau. “Bà con cho rau lấy rau, cho ngô lấy ngô, có người còn cho đu đủ, bí xanh, bí đỏ… chúng tôi đều lấy vì rất nhiều công nhân cần được hỗ trợ thực phẩm. Có hôm nhóm thu hoạch đến 12 giờ trưa mới xong, chỉ kịp ăn cơm rồi lại lao vào sơ chế, phân loại để mang đi trao cho công nhân, bà con ở các vùng bị cách ly, phong tỏa. Các thành viên đều tâm niệm không sợ nắng, chỉ sợ công nhân đói” – Linh tâm sự với Kinh tế & Đô thị.
Ban đầu, nhóm của Linh chỉ dự kiến đi trao 30 thùng mỳ tôm cho công nhân khu cách ly. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Việt Yên ngày càng phức tạp, đối tượng công nhân nghỉ việc, phải cách ly lớn. Nhiều thôn, xóm, khu dân cư cũng bị phong tỏa để phòng, chống dịch. Càng đi, biết nhiều địa chỉ khó khăn cần được hỗ trợ, Linh và chồng là anh Nguyễn Văn Quý càng thấy bứt rứt không yên lòng.
 Nhóm thiện nguyện Tâm Đức tặng quà cho công nhân, gia đình khó khăn tại Tổ dân phố Dục Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên.

“Máu từ thiện” ngấm trong người từ lâu khiến cho vợ chồng Linh không thể ngồi yên một chỗ. Rồi bạn bè, các nhà hảo tâm ở nhiều nơi tin tưởng, động viên, gửi tiền, quà nhờ trao giúp cho các khu cách ly, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Thấy vậy, hai vợ chồng lại bàn bạc với các thành viên trong nhóm thiện nguyện Tâm Đức khảo sát, cùng nhau kêu gọi các nguồn hỗ trợ và phân công nhau đi tặng quà.
Trong những ngày dịch Covid-19 diễn ra nóng bỏng, gần như từ sáng tới tối, vợ chồng Nguyễn Phương Linh chạy đôn chạy đáo ngoài đường, khi thì đi thu hoạch rau, lúc đi mua nhu yếu phẩm, vật tư y tế… mang đi cho các khu cách ly, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Hai đứa con nhỏ (đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) nheo nhóc ở nhà, trông cậy vào ông bà hai bên nội ngoại chăm lo.
 Nhóm thiện nguyện Tâm Đức tặng rau cho người dân khu cách ly xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên.
Đến nay, nhóm từ thiện Tâm Đức đã trao hàng nghìn suất quà đến người dân, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay các bệnh viện, trung tâm y tế, đội ngũ y bác sĩ… “Đi lại nhiều giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, vợ chồng em cũng lo lắng lắm nhưng không đi thì không thể yên lòng nên dặn nhau phải trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và thường xuyên đi test nhanh Covid-19” – Linh tâm sự.
Mệt nhọc, vất vả nhưng sau mỗi chuyến trao quà về nhà, vợ chồng Linh cũng như các thành viên trong nhóm thiện nguyện Tâm Đức lại thấy vui vẻ, ấm áp vì những tin nhắn cảm ơn của công nhân ở trọ, chủ trọ, bà con trong khu cách ly.
Không để công nhân đứt bữa
Gần 10 giờ trưa, vừa nhễ nhại chở thùng chè đỗ đen được đóng kín trong hộp nhựa về đến sân, khệ nệ bê xuống, dỡ từng cốc chè ra đặt thành hàng ngay ngắn, ông Thân Văn Ly, chủ một nhà trọ tại Tổ dân phố My Điền 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang vừa gọi to: “Mấy đứa xuống lấy chè này, làm cốc chè cho mát!’.
Từng tốp công nhân lục tục kéo xuống sân, mỗi người lấy một cốc chè theo “tiêu chuẩn”, gương mặt ai cũng lộ rõ nét phấn khởi vì được quan tâm trong những đợt nắng nóng.
 Nhiều người được hỗ trợ rau xanh, đồ thiết yếu để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: Tuấn Âm Thanh
Nhà ông Ly có hơn 20 phòng trọ, tuy nhiên chỉ còn 17 phòng có khách đang ở trọ, toàn bộ là công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn như Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Ly chia sẻ, đa số công nhân ở quê xa như huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), Cao Bằng, Lạng Sơn… do dịch Covid-19 không thể trở về địa phương, phải cách ly tại phòng trọ, đời sống gặp nhiều khó khăn.
“Cũng may, có nhiều đoàn từ thiện, cơ quan chức năng đến tặng quà, nhu yếu phẩm cho công nhân bớt vất vả” – bà Dung tâm sự. Từ nhiều ngày nay, vợ chồng bà Dung trở thành những “người vận chuyển” chính thực phẩm, đồ thiết yếu cho công nhân thuê trọ. Ai cần gì, thiếu gì, ông bà lại “gom đơn” chạy đi mua cho…
Trong căn phòng chật chội, nóng bức, chỉ 15m2 trên tầng ba tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, vợ chồng chị Hồng Lụa, quê Lạng Sơn, đang cách ly tại phòng trọ cũng cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm, chia sẻ khó khăn. Chị Lụa làm việc tại Công ty TNHH Luxshare ICT (Khu công nghiệp Quang Châu 1), chồng chị làm việc tại một DN trong Khu công nghiệp Vân Trung, cả hai đều đang nghỉ việc, cách ly theo quy định phòng chống dịch, không có thu nhập.
 Các "siêu thị 0 đồng" đã hỗ trợ rất nhiều cho công nhân lao động trong thời gian nghỉ việc, thực hiện cách ly. Ảnh: Phạm Văn Thịnh
“Cứ 2 – 3 ngày, vợ chồng tôi lại được chủ trọ mang cho lương thực, thực phẩm, hôm thì gạo, hôm thì thịt, rau, bột canh… từ các nhà hảo tâm gửi tặng. Công nhân đi làm xa nhà, ở trọ nên được sự hỗ trợ như vậy là quá tốt rồi vì có rất nhiều người cần được hỗ trợ” – chị Hồng Lụa tâm sự.
Nhà xa, con nhỏ gửi ông bà nội nên vợ chồng chị Lụa rất nhớ con, mong ngóng từng ngày được về thăm nhà. Chị chia sẻ, biết vợ chồng chị đang ở giữa tâm dịch, bố mẹ rất lo lắng, ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm. “Giờ tôi chỉ mong hết dịch để được về nhà thăm con và đi làm trở lại kiếm thu nhập lo cho gia đình” – chị Lụa chia sẻ.
Hơn 30 ngày cách ly trong phòng trọ 15m2 ở Tổ dân phố Mỹ Điền 3, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, anh Nguyễn Văn Hòa (quê Tuyên Quang), công nhân Công ty Công tyTNHH Yokoi Mould Việt Nam (KCN Đình Trám) cảm thấy vô cùng bí bách, khó chịu.
Tạm thời nghỉ việc, không có thu nhập nhưng anh Hòa may mắn được công ty hỗ trợ 70% lương và thêm 10kg gạo, nước mắm… “Cũng may, thỉnh thoảng, chủ trọ vẫn mang rau, thịt, hàng thiết yếu từ các nhà hảo tâm hỗ trợ nên chúng tôi cũng vơi bớt phần nào khó khăn” – anh hòa giãi bày.
Chăm lo tốt đời sống cho người dân
Là tâm dịch Covid-19, nóng nhất của tỉnh Bắc Giang bởi có 3 khu công nghiệp lớn là: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, song trên địa bàn còn hơn 60.000 công nhân đang thuê trọ, khiến cho địa phương gặp nhiều khó khăn, áp lực trong công tác chăm lo an sinh xã hội.
Ông Thân Quang Phương - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái, huyện Việt Yên  cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, những hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, người khuyết tật và công nhân khu nhà trọ gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cũng may, nhờ có những phần quà của các tổ chức, cá nhân, đơn vị thiện nguyện, cả tiền mặt, nhu yếu phẩm đã giúp nhiều công nhân lao động vượt qua khó khăn trước mắt.
 Người dân thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái nhận nhu yếu phẩm miễn phí trong thời gian cách ly. Ảnh: Tuấn Âm Thanh

Chia sẻ khi tới thăm, động viên, tặng quà cho người lao động, hộ nghèo trên địa bàn, ông Thân Quang Phương nhớ mãi trường hợp của của một cặp vợ chống lao động tự do quê Nghệ An đang thuê trọ tại xóm Vườn, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái.
Vì hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng trẻ phải xa quê làm ăn, chỉ mang theo hai đứa con sinh năm 2016, 2018, còn đứa thứ hai sinh năm 2017 nhờ ông bà ở quê chăm giúp. Đúng đợt dịch, cháu nhỏ thứ hai không may bị đuối nước chết, hai vợ chồng quặn lòng vì không thể về quê lo hậu sự cho con.
“Khi đoàn đến thăm hỏi, người mẹ nói một câu khiến tôi rơi nước mắt là không biết có ở chỗ nào làm ảnh không để rửa một tấm ảnh chân dung, lập ban thờ cho cháu. Chúng tôi đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ hai hai vợ chồng số tiền hàng chục triệu đồng và hiện vật để gia đình sớm ổn định cuộc sống” – ông Phương cho biết.
 Lãnh đạo xã Hồng Thái tặng quà cho công nhân lao động thuê trọ trên địa bàn. Ảnh: Tuấn Âm Thanh
Chia sẻ khó khăn với những công nhân đang nghỉ việc do dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều chủ trọ trên địa bàn huyện Việt Yên đã giảm tiền thuê trọ từ 50 – 75%, thậm chí có nhà còn giảm 100%, đồng thời hỗ trợ công nhân thuê trọ bữa ăn hàng ngày. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, sự hỗ trợ kịp thời này khiến cho những công nhân lao động thuê trọ cảm thấy vô cùng ấm áp.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang cũng kịp thời chỉ đạo thành lập các “siêu thị 0 đồng” chuyên cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho công nhân động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trog thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19.  Đến nay, hoạt động của các “siêu thị 0 đồng” vận hành tốt và đáp ứng được nhu cầu cơ bản của công nhân lao động và người dân ở các địa bàn bị cách ly, phong tỏa.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh - Tổ trưởng Tổ hỗ trợ ổn định đời sống cho công nhân ngoài tỉnh đang trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, toàn tỉnh đang duy trì 29 “siêu thị 0 đồng”. Trong đó có 20 siêu thị tại huyện Việt Yên, 8 siêu thị tại huyện Yên Dũng, 1 siêu thị tại TP Bắc Giang.
"Siêu thị 0 đồng" đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ lớn cho công nhân lao động.

“Hiện Tổ đang tập trung hỗ trợ cho huyện Việt Yên vì đây là địa bàn tập trung nhiều công nhân các khu công nghiệp đang phải nghỉ, cách ly y tế theo quy định” – ông Phạm Văn Thịnh cho biết.
Được biết, hiện tỉnh Bắc Giang đang chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, TP đưa công dân các tỉnh trở về địa phương, đảm bảo đúng đối tượng ưu tiên, an toàn trong công tác bàn giao, an toàn giao thông. Đến nay, có 12 tỉnh, TP đón gần 6.000 lao động từ tỉnh Bắc Giang về địa phương tiếp tục theo dõi y tế.