Bắc Giang: sau 16 ngày bị chó cắn, cháu bé hai tuổi tử vong bất thường
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắc Giang: sau 16 ngày bị chó cắn, cháu bé hai tuổi tử vong bất thường

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sau 16 ngày bị chó cắn dù đã được tiêm 3 mũi vắc-xin và truyền huyết thanh phòng bệnh dại cháu L.T.S (SN 2022), trú tại huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) vẫn không qua khỏi.

Trước đó khoảng 20 giờ ngày 30/3, khi đang chơi gần nhà, cháu S bị một con chó lạ cắn vào mắt trái. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cấp cứu.

Tại đây, S được thay băng, khâu vết thương, sử dụng kháng sinh, giảm đau xử lý vết thương. Ngày 9/4, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo nên được xuất viện. Thời điểm ra viện, cháu S đã tiêm 3 mũi vắc-xin và truyền huyết thanh phòng bệnh dại.

Đến ngày 15/4, cháu S bị sốt, lên cơn co giật do sốt cao nên được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cấp cứu. Nhận định chiều hướng bệnh diễn biến nặng, Trung tâm Y tế huyện chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau đó, nạn nhân được chuyển ra Bệnh viện Nhi T.Ư và tử vong vào trưa 16/4.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tối 15/4, bệnh nhân đến nhập viện trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, có biểu hiện viêm cơ tim cấp, nghi bị viêm não. Ngay sau đó, kíp trực Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành đặt ống trợ tim, chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị.

Liên quan đến thông tin bệnh nhân tử vong do bị chó dại cắn, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết, đơn vị đã lấy mẫu gửi giám định để xác định bệnh nhân có bị bệnh dại hay không. Dự kiến có kết quả trong vài ngày tới.

Để phòng tránh nguy cơ bị chó, mèo cắn, bác sĩ khuyến cáo:

- Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

- Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.

- Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng.

- Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất, đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.

- Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.