Bắc Giang: Xem xét mở lại cửa hàng thiết yếu phục vụ công nhân ở trọ tại Việt Yên

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Bắc Giang đang rà soát, xem xét cho mở cửa trở lại một số cửa hàng thiết yếu phục vụ công nhân ở trọ tại huyện Việt Yên. Đồng thời, lên phương án hỗ trợ đời sống cho 60.000 công nhân đang ở lại Bắc Giang, ước tính khoảng 310 tỷ đồng.

Mở cửa theo hình thức luân phiên
Ngày 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương chủ trì cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống cho công nhân là người ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình đời sống hiện nay của công nhân là người ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn huyện Việt Yên trong thời gian thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị UBND huyện Việt Yên xây dựng kế hoạch mở lại các cửa hàng thiết yếu nhằm phục vụ công nhân đang ở trọ trên địa bàn và Nhân dân xung quanh các khu công nghiệp.
Nhóm từ thiện Tâm Đức hỗ trợ thực phẩm cho công nhân khu công nghiệp tại huyện Việt Yên. Ảnh: Nguyễn Bình
Đồng thời thành lập các tổ công tác ở cơ sở gồm một số thành phần chính như: Công an, Y tế, MTTQ và các đoàn thể tổ chức rà soát, kiểm tra, tính toán cụ thể số lượng công nhân, nhu cầu đáp ứng các mặt hàng thiết yếu...
Trên cơ sở rà soát, tính toán cụ thể ở từng thôn, sau đó tổ chức cho các cửa hàng được mở cửa bán hàng trở lại theo hình thức luân phiên, người dân và công nhân ở trọ cũng đi mua hàng luôn phiên.
“Việc này phải sắp xếp khoa học (sắp xếp bán hàng, mua hàng theo giờ, theo ngày), tránh mở cửa hàng ào ạt, đi mua ào ạt; chủ nhà trọ được đi chợ thường xuyên hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang lưu ý.
Trước mắt, phải chuyển hết hàng ủng hộ, tài trợ về các nhà văn hóa các thôn (nơi có nhiều công nhân đang ở trọ thực hiện cách ly), không để ở huyện, ở xã. Để hỗ trợ nhanh nhất việc chuyển hàng đến tay công nhân cần thành lập ngay lực lượng công nhân tình nguyện tại chính các khu nhà trọ đang cách ly, những người được lựa chọn là những công nhân khỏe mạnh, không phải là các F2, F3.
Đặc biệt, tuyệt đối không được để các nhóm công nhân tình nguyện này làm việc lẫn lộn với nhau mà phải tách nhóm theo từng nhà trọ, phân lịch làm việc theo từng giờ để tránh rủi ro lây chéo.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị huyện Việt Yên lập tức phân loại, thống kê số lượng công nhân các tỉnh còn lại bao nhiêu trên địa bàn huyện; công nhân là người các huyện trong tỉnh Bắc Giang còn bao nhiêu đang mắc ở lại huyện. Hoàn thành việc thống kê xong trong ngày 25/5/2021.
Lên phương án hỗ trợ 60.000 công nhân đang ở lại Bắc Giang
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng cho biết, tỉnh đang tập trung giải quyết vấn đề xã hội sau khi đóng cửa khu công nghiệp. Hiện nay có khoảng 60.000 công nhân từ 61 tỉnh, thành trong cả nước đang ở tại Bắc Giang.
Tại huyện Việt Yên, do đóng cửa các khu công nghiệp, công nhân không được phép ra khỏi nhà. Do đó phát sinh các vấn đề xã hội, đặc biệt đời sống công nhân tại khu trọ. Trước thực trạng đó, tỉnh Bắc Giang đã mở một số "Siêu thị 0 đồng", chủ nhà trọ được đi mua theo giờ. Đồng thời dự kiến mở thêm một số cửa hàng thiết yếu tại những khu này. Tỉnh ước tính sẽ mất khoảng 310 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống và hỗ trợ 1 tháng lương cho số lượng công nhân này.
Đóng gói, chia quà hỗ trợ cho công nhân khu công nghiệp ở trọ trên địa bàn tỉnh huyện Việt Yên. Ảnh: Nguyễn Bình
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh Bắc Giang đang tập trung kiểm tra đánh giá an toàn phòng dịch ở các nhà máy sản xuất trong toàn tỉnh. Đối với các nhà máy đang dừng sản xuất, tỉnh sẽ kiểm tra mức độ an toàn, yêu cầu DN khắc phục những tồn tại, khi đảm bảo an toàn sẽ từng bước cho mở cửa.
Đồng thời cho biết, nhiều DN trong tỉnh tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu đóng quá lâu sẽ đứt gãy toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông Lê Ánh Dương khẳng định, không mở lại ồ ạt mà sẽ xây dựng phương án cụ thể để có thể vừa sản xuất, vừa sống chung với dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần