Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạc Liêu: Giúp dân bằng nguồn vốn xã hội hoá

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 năm, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) đã vận động từ nguồn xã hội hóa được 22,5 tỷ đồng để chăm lo đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội cho người nghèo.

Anh Nguyễn Thành Tài (ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) bên căn nhà tình thương vừa xây xong
Anh Nguyễn Thành Tài (ấp Xẻo Chích, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) bên căn nhà tình thương vừa xây xong

Nhờ dân vận khéo

Vĩnh Lợi là một huyện thuần nông, diện tích tự nhiên 24.942ha với 91.915 nhân khẩu, nhưng có đến 1.722 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên, trong đó có 19/252 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. 

Những năm qua, lãnh đạo huyện Vĩnh Lợi đã đặt công tác chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, người nghèo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao...  Nhưng để làm được những việc nặng nề trên từ nguồn ngân sách eo hẹp là một việc khó. Do vậy, huyện đã dùng nhiều cách nhằm tạo nguồn kinh phí từ xã hội hóa để thực hiện. 

“Năm Dân vận khéo 2021 tổ chức tại xã Hưng Thành, đã thu được số tiền 4,259 tỷ đồng, trong đó nguồn vận động của xã đã là 2,332 tỷ đồng. Năm 2022 tổ chức Dân vận khéo ở xã Vĩnh Hưng, tuy vừa triển khai nhưng đã thu được 3,5 tỷ đồng. Nhiều năm nay, các cá nhân tổ chức như: Câu lạc bộ Doanh nghiệp huyện, doanh nghiệp Phan Văn Hiền, doanh nghiệp Lê Văn Kiệt, xổ số kiến thiết tỉnh… là những cái tên thường xuyên được người dân Vĩnh Lợi nhắc đến vì những đóng góp lớn và thường xuyên cho công tác chính sách, an sinh xã hội của địa phương” - ông Bùi Minh Luân - Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Vĩnh Lợi cho biết.

Từ nguồn xã hội hóa, hàng trăm căn nhà tình thương của Vĩnh Lợi được xây dựng cho người nghèo chỉ trong 2 năm.
Từ nguồn xã hội hóa, hàng trăm căn nhà tình thương của Vĩnh Lợi được xây dựng cho người nghèo chỉ trong 2 năm.

Theo ông Luân, hết quý III/2022, Vĩnh Lợi đã xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, 59 căn nhà tình thương cho hộ nghèo. Hỗ trợ vốn và phương tiện sản xuất cho 233 hộ nghèo tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Nếu tính luôn từ năm 2021, Vĩnh Lợi đã vận động 22,5 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng 125 căn và sửa chữa 17 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Cất mới 267 nhà tình thương, hỗ trợ vốn - phương tiện sản xuất cho 654 hộ nghèo cùng 1.160 hộ cận nghèo với số tiền 3,8 tỷ đồng.

Cũng trong 2 năm, chưa tính 60 tấn gạo từ nguồn xã hội hóa, huyện đã hỗ trợ 108,525 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc trao 7.272 suất quà trị giá 1,467 tỷ  đồng của Chủ tịch nước, 8.649 suất quà trị giá 3,59 tỷ đồng của tỉnh, huyện cũng đã trao 2.100 suất quà khác tương ứng 1,47 tỷ đồng cho người nghèo. Chưa kể, hỗ trợ tiền Tết cho 586 hộ nghèo với số tiền 293 triệu đồng và 1,108 tỷ đồng cho 2.770 hộ cận nghèo khác.

Thành công từ cấp cơ sở

Đưa phóng viên báo Kinh tế và Đô thị khảo sát những căn nhà tình nghĩa, tình thương đang xây trên địa bàn, ông Thái Văn Triệu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Châu Hưng cho biết: “Dù được xem là địa phương có nguồn thu cao so với các xã khác của Vĩnh Lợi (tổng thu ngân sách hàng năm hơn 4 tỷ đồng), nhưng Châu Thới vẫn là địa phương nghèo khi nhiều ấp còn khó khăn. Dù vậy, chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công luôn được thị trấn quan tâm ưu tiên thực hiện.”

Ông Triệu cho biết, Châu Hưng có 3.659 hộ với 15.143 nhân khẩu. Có 135 người hưởng chính sách, người có công và vẫn còn 58 hộ nghèo 271 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Nhưng năm 2021 đã vận động 123 triệu đồng cho quỹ an sinh xã hội, xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa 50 triệu đồng, vận động cất 11 căn nhà tình thương. Năm 2022 đã cất 12 căn nhà tình thương và 1 nhà tình nghĩa. Nên đến thời điểm hiện tại giảm còn 36 hộ nghèo, chiếm 0,98% và 229 hộ cận nghèo chiếm 6,26%.

Ông Phan Văn Tâm bên căn nhà tình nghĩa được huyện Vĩnh Lợi sửa chữa lại.
Ông Phan Văn Tâm bên căn nhà tình nghĩa được huyện Vĩnh Lợi sửa chữa lại.

Ông Phan Văn Tâm 60 tuổi, ở ấp Cái Dầy, là gia đình con liệt sỹ, sống bằng nghề làm thuê với căn nhà ở bị xuống cấp, dột sau nhiều năm sử dụng. Huyện đã kịp thời hỗ trợ 60 triệu đồng để gia đình sửa chữa căn nhà lại kiên cố. Giúp gia đình ổn định cuộc sống khi mùa mưa bão 2022 đang vào cao điểm.

Còn anh Nguyễn Thanh Tài, 38 tuổi, ấp Xẻo Chích, xã Châu Hưng cho biết, nhà có 5 người, vợ chồng sống bằng nghề bán cá nướng dạo. “Nhiều năm nay căn nhà bị dột nát xuống cấp nhưng không khả năng khắc phục. Nhờ thị trấn quan tâm vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng sửa chữa. Nếu không, mùa mưa này gia đình anh gặp khó” - anh Tài nói.

Ở ấp Bà Chăng thường xuyên là nơi khó khăn nhất của Châu Hưng, có 248 hộ với 1.155 khẩu thì có đến 67 hộ với 235 khẩu là người Khmer. Những năm trước, đây là địa phương có tỷ lệ nghèo nhất của Châu Hưng khi thu nhập chính của bà con là trồng lúa - màu kết hợp chăn nuôi nhỏ lẻ.

“Nhưng bằng sự quyết tâm của địa phương, đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Năm 2023, Bà Chăng phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo” - ông Trần Thanh Tuấn - Bí thư thị trấn Châu Hưng nói.

Ông Trần Minh Hải - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi thông tin, dự báo đến cuối năm, tỷ lệ  bảo hiểm y tế cho người dân sẽ đạt trên 91%, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động nông thôn. Năm 2023, UBND huyện tiếp tục phân công các ban, ngành, đoàn thể và xã, thị trấn duy trì nhận phụng dưỡng 19 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hỗ trợ cho 32 thương binh hạng 1/4 và 2/4 mức 1 triệu đồng/người/tháng. “Địa phương tiếp tục rà soát hộ nghèo để hỗ trợ vốn và phương tiện sản xuất. Xây dựng mới 20 căn nhà tình nghĩa, tình thương... tất cả đều từ nguồn vốn xã hội hóa” - ông Hải nói.