Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặc dù là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Bạc Liêu vẫn thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo

Bạc Liêu: Tỉnh nghèo nhưng có hơn 41 nghìn hộ dân được thoát nghèo

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh Bạc Liêu 18,6% (hộ nghèo) và hơn 11,3% (hộ cận nghèo) đứng ở mức cao so với khu vực ĐBSCL, thì đến hết năm 2022, tỉnh này đã có 41.050 hộ dân đã được thoát nghèo.

Tuy là tỉnh còn nghèo so với cả nước, nhưng công tác chăm lo đời sống người dân, trong đó công tác xóa đói giảm nghèo đã được Bạc Liêu chú trọng từ rất sớm. Do vậy, cùng với các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm triển khai chủ trương về việc hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huy động tất cả các nguồn lực tập trung quyết liệt cho công tác giảm nghèo.

Căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng ở xã Châu Thới huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu được địa phương vận động xây cho hộ nghèo. Là huyện nghèo nhưng Vĩnh Lợi là điểm sáng xóa nghèo của tỉnh.
Căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng ở xã Châu Thới huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu được địa phương vận động xây cho hộ nghèo. Là huyện nghèo nhưng Vĩnh Lợi là điểm sáng xóa nghèo của tỉnh.

Ông Phạm Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo tỉnh cho biết, kết quả giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn đa chiều, toàn tỉnh đã giảm trên 4.260 hộ nghèo (đạt tỷ lệ 1,9%), giảm 2.700 hộ cận nghèo (tỷ lệ trên 1,5%). Đã xuất hiện nhiều phong trào, mô hình hay. Phong trào hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo đã trở thành việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Từ đó tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa các cấp chính quyền với nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ khó khăn trong tỉnh. Qua đó nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với công tác giảm nghèo, gần gũi với cơ sở hơn thông qua vừa đóng góp từ tiền lương, thu nhập, vừa bỏ công sức khi tiếp cận, giúp đỡ hộ nghèo…

Ông Duy cho rằng, đông đảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực tham gia và đồng hành cùng tỉnh, đã nhận giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Kết quả qua 10 năm thực hiện chủ trương trên, UBND tỉnh đã phân công gần 4.350 lượt cơ quan, đơn vị, địa phương nhận hỗ trợ, giúp đỡ trên 41.600 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí trên 137 tỷ đồng, giúp hơn 41.050 lượt hộ thoát nghèo… “Năm 2023, mục tiêu BCĐ giảm nghèo tỉnh đặt ra phải giảm nghèo bền vững với quyết tâm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 2.270 hộ); giảm 1% tỷ lệ hộ cận nghèo (tương đương 2.270 hộ)” – ông Duy cho biết thêm. Theo ông, tuy đạt được nhưng kết quả như trên, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục như: một số đơn vị, địa phương còn chậm triển khai nguồn vốn, phương tiện hỗ trợ hộ nghèo nên ảnh hưởng đến kế hoạch giảm nghèo của năm; chưa có sự tiếp cận, khảo sát hoàn cảnh, nhu cầu thực tế để có hướng giúp đỡ hộ nghèo hiệu quả; nguồn lực hỗ trợ của một số đơn vị, địa phương còn thấp so với nhu cầu cần hỗ trợ của hộ nghèo; vẫn tồn tại một bộ phận hộ nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại…

Bà Lê Thị Ái Nam Phó BTTT Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết: Tỉnh ủy đánh giá cao và ghi nhận các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh ủy 10 năm qua nhất là kết quả giảm nghèo năm 2022. Rất nhiều doanh nghiệp đã đồng hành và đóng góp rất lớn cho công tác giảm nghèo địa phương, để từ đó làm tiền đề cho đa số hộ nghèo đã có ý thức tự vươn lên. Công tác xóa đói giảm nghèo đã còn huy động được cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân, từ đó thực hiện có hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” nên tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh.

Tuy nhiên, năm 2023, công tác giảm nghèo sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức, khi hệ lụy do dịch COVID-19 bùng phát trong suốt hơn 2 năm qua để lại. Do đó, BCĐ các cấp phải có kế hoạch cụ thể cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều, nhất là tập trung giải quyết 5 tiêu chí đang ở mức thiếu hụt cao gồm: bảo hiểm y tế, việc làm, sử dụng dịch vụ viễn thông, nhà tiêu hợp vệ sinh và chất lượng nhà ở. Tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia giúp đỡ hộ nghèo, đồng thời hướng đến mục tiêu: giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tuyên truyền để các hộ nghèo có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. “Các cơ quan, đơn vị cần phối hợp với các địa phương tiếp cận, sâu sát với hộ nghèo để tìm nguyên nhân, hỗ trợ các hộ phương thức sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo bền vững; khắc phục ngay tình trạng chậm trễ trong trao phương tiện, không có sự quan tâm sâu sát với hộ nghèo…” – bà Ái Nam nhấn mạnh.