Bác sĩ Nguyễn Văn Công chia sẻ “bí kíp” chống trả bắt nạt học đường

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bác sĩ Nguyễn Văn Công – Giám đốc Tổ chức Giáo dục Sức khỏe Wellbeing, khi rơi vào tình huống bị bắt nạt học đường (BNHĐ), thay vì có thái độ mềm dẻo, khóc lóc, các bạn trẻ cần chống lại đúng cách để bạo lực không xảy ra.

Thưa bác sĩ, BNHĐ xảy ra ở khắp nơi. Dư luận xã hội chưa hết sửng sốt khi xem clip nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị 5 bạn nữ đánh hội đồng, lột đồ thì mới đây một học sinh nữ ở Nghệ An bị các bạn phạt quỳ gối và tát liên tiếp vào mặt. Mới hơn, ngày 6/4, 1 nữ sinh và 1 nam sinh ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) bị 10 học sinh nữ đánh hội đồng, gia đình phải đưa đến bệnh viện. Có ý kiến cho rằng, BNHĐ là dùng sức mạnh để làm việc gì đó theo ý mình, liệu có đúng? 
- Mọi người nghĩ, BNHĐ chỉ là hành vi đánh đấm về mặt thể xác. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm nghiên cứu về BNHĐ nhiều năm nay, chúng tôi thấy chưa đủ. BNHĐ có nhiều trạng thái như bắt nạt về tinh thần (dùng lời lẽ hăm dọa), bắt nạt về thể chất, bắt nạt về xã hội (cách ly người bắt nạt ra khỏi nhóm của mình, cộng đồng đang sinh sống và học tập).
Bác sĩ có thể nêu những đặc điểm chung của các bạn bị bắt nạt?
- Theo các nghiên cứu của chúng tôi, những bạn đi bắt nạn bạn khác cũng là nạn nhân của việc bắt nạt nào đó trước đây. Hoặc các bạn đi bắt nạt đã từng bị bắt nạt trong gia đình. Vì thế, khi đến trường, các bạn tìm đối tượng nào đó để thể hiện sức mạnh, trút giận những điều mình đã phải chịu trong tuổi thơ tại gia đình hay một môi trường khác.
 Học sinh được tập huấn phòng chống bạo lực học đường. Nguồn ảnh: internet
Nhiều bạn học sinh chia sẻ, những nhân vật đi bắt nạt là “đại ca”, “đại tẩu” có tầm ảnh hưởng lớn trong trường học, điều này có đúng, thưa bác sĩ?
- Các bạn đi bắt nạt những người khác thường có ưu thế nhất định. Ví dụ, bạn bắt nạt có thể hình lớn hơn học sinh bị bắt nạt, có khả năng vận động để tạo nhóm. Sở dĩ có tình trạng BNHĐ là do gia đình chưa quan tâm đúng mức, sau đó đến nhà trường và xã hội dẫn đến các bạn hình thành nhân cách chưa đúng trong quá trình đi học.
Khi bị rơi vào tình huống bắt nạt, nạn nhân phải làm gì, thưa bác sĩ?
- Đầu tiên, các bạn tỏ thái độ cứng rắn và mạnh mẽ hơn để đối tượng thấy việc bắt nạt tôi không dễ. Nếu các bạn nghe theo lời người bắt nạt đi đến chỗ vắng hoặc phục tùng thì vô hình trung đang khiến bạo lực tăng lên. Người bắt nạt sẽ thích thú điều đó và tiếp tục hành vi bắt nạt của mình.
Thứ hai, khi đã xảy ra hành vi bắt nạt thì phải trấn an bản thân mình và biết cách ứng phó trong tình huống. Cụ thể, các bạn hít hơi thật đều và có tiếng nói thật to mạnh để phản ứng lại trong trường hợp bị bao vây. Bạn cố gắng thoát chạy khỏi chỗ bị bắt nạt. Tiếp đó là bạn báo cáo việc này đối với người lớn, người thân, thầy cô trong nhà trường thay vì im lặng. Bởi việc giữ im lặng sẽ khiến cho việc bị bắt nạt nhiều hơn.
Nhiều bạn cho rằng mình mềm dẻo ngay lúc đầu sẽ không bị người bắt nạt tấn công?
- Các bạn nghĩ đến thái độ mềm dẻo hay tiếng khóc của mình sẽ được tha, tuy nhiên trên thực tế kẻ gây ra bạo lực không hành động như vậy. Thậm chí, họ càng thích đối tượng yếu thế và ngược lại họ sợ người có phản ứng mạnh mẽ.
Trong trường hợp bạn bị bắt nạt gia nhập hội “anh chị” sừng sỏ để được chở che lại là cách tạo ra vòng xoáy bạo lực ngày một lớn hơn. Vì thế đây không phải là giải pháp hay.
Nếu chúng ta trở thành “con mồi” của kẻ đi bắt nạt thì cần phải lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?
- Đầu tiên các bạn phải tự xác định lại sức mạnh của mình là mình sẽ chống lại hay bị khuất phục. Lời khuyên của chúng tôi là chống lại đúng cách, bằng việc ứng phó làm sao để không xảy ra bạo lực. Các bạn cần báo cáo với bố mẹ, nhà trường ngay từ khi thấy có hành vi đánh hội đồng đang nhen nhóm bắt đầu. Như thế, các bạn được bảo vệ sớm hơn để không bị ảnh hưởng đến tâm lý và thể xác.
Xin cảm ơn bác sĩ!