|
Bác sỹ Vương Xuân Toàn (Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai) là một trong những bác sĩ trẻ nhất từng 2 lần chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng – Hải Dương. |
Từng là một trong những bác sĩ trẻ trong đoàn công tác chống dịch của Bệnh viện Bạch Mai chi viện cho điểm nóng Đà Nẵng năm 2020, đúng đêm ngày 6/2, bác sĩ Vương Xuân Toàn đã nhận được tin nhắn từ lãnh đạo một lần nữa tiến vào tâm dịch để giúp đỡ các bệnh nhân mắc Covid-19.
“Toàn về Hải Dương nhé”. Thông tin dịch bệnh từ Hải Dương vốn đã làm tôi thấp thỏm lo âu. Tôi đã luôn trong tâm thế sẵn sàng, nếu quê hương cần thì tôi sẵn sàng lên đường. Trước đó, ở Khoa Hồi sức tích cực cũng đã có thông báo rằng bất kỳ địa phương nào cần hỗ trợ, các bác sĩ hãy đăng ký để lên đường chi viện, tôi đã xung phong đầu tiên” – bác sĩ Toàn nhớ lại.
Chia sẻ thêm về quan điểm của Bệnh viện Bạch Mai nơi anh công tác, cho biết, dù là đợt dịch tại Hải Dương hay Đà Nẵng, Bạch Mai đều sẽ dốc hết tâm sức, trang thiết bị vật tư và con người cho các chiến trường, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người.Thời điểm đó, tại Bệnh viện dã chiến 2 có hai bệnh nhân nặng đang được đề nghị chuyển lên phòng ICU (chăm sóc tích cực) và thiết lập hoạt động luôn trong đêm hôm đó. Chỉ có 1h đồng hồ để chuẩn bị, 23 giờ 15 phút bác sĩ Toàn cùng một chiếc máy thở oxy dòng cao (HFNC) có mặt ở Bệnh viện Dã chiến 2. Không có thời gian nghỉ ngơi, chàng bác sĩ trẻ bắt tay ngay vào thăm khám và lắp máy thở cho bệnh nhân.
|
Bác sỹ Toàn kiểm tra tình hình sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 trong phòng ICU (chăm sóc tích cực). |
Cũng là người đã từng đồng hành cùng Đà Nẵng suốt quá trình gần 2 tháng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, thời kỳ đỉnh điểm có đến 12 ca tại khoa ICU, bác sỹ trẻ Xuân Toàn cho biết, dịch ở bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương đều rất nhanh. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng virus lan nhanh trong bệnh viện, đặc biệt lại là Khoa thận nhân tạo, các bệnh nhân tử vong trong đợt dịch đó đa phần đều mắc suy thận mạn và những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, tiên lượng xấu ngay từ đầu. Còn ở “chiến trường” Hải Dương, bác sĩ Toàn cho rằng điều may mắn là tại ổ dịch Poyun đa phần người mắc là công nhân đều khỏe mạnh, ít bệnh lý nền, sức đề kháng tốt, khả năng diễn biến nặng thấp hơn so với Đà Nẵng. Ngay sau khi tiếp nhận các ca nặng vào đêm 6/2, bác sĩ Toàn nhận thấy tiên lượng của các bệnh nhân đều tốt bởi đây đều là đối tượng tuổi không quá cao, ít bệnh lý nền. Ngoài ra, việc phát hiện nhanh giúp các bệnh nhân được điều trị và tiếp cận với phác đồ sớm.
“Tôi tiên lượng những bệnh nhân này khả quan hơn so với những bệnh nhân tôi đã điều trị tại Đà Nẵng” – bác sĩ Toàn nhận định.