Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Bác thằng bần”

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cờ bạc là bác thằng bần”, câu nói của cổ nhân đến bây giờ ngẫm ra vẫn chửa sai và vẫn mang tính thời sự! Xưa ai dính vào cờ bạc là đồng nghĩa với nghèo đói, không ít trường hợp phải bán vợ, đợ con.

Nay thì cũng không ít kẻ vì đỏ đen phải “bán nhà ra đê”; chẳng những vậy mà còn dính vào vòng lao lý vì pháp luật nước ta cấm cờ bạc dưới mọi hình thức…

Bài học về cờ bạc thì nhiều, nhưng những cảnh báo từ truyền thông, những “tấm gương tày liếp” vẫn chưa làm cho những người có máu đỏ đen thức tỉnh. Nếu thời xưa, cờ bạc cũng chỉ quanh quẩn mấy môn mang tính “đối xứng” như chắn cạ, tài xỉu, tam cúc, tổ tôm, xóc đĩa thì ngày nay cờ bạc biến tướng dưới vô vàn hình thức.

Người ta có thể chơi quan mạng internet, chơi trên chiếu, thậm chí ngồi quán nước với nhau - chỉ cần lôi tờ tiền ra “đầu đít”, cá biển số xe chẵn lẻ… Quan niệm của các cụ xưa cho rằng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3 rượu chè”, nhưng ngày nay, dân “đổ bác” chơi quanh năm tứ mùa, chẳng kể thời tiết nắng mưa, Xuân hè hay Đông giá. Ở quê tôi, tệ nạn cờ bạc “rộ” nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán, nhưng hết Tết, nhiều đối tượng vẫn… lai rai. Dẫu không dám công khai mở xới, nhưng hễ trong làng, ngoài xã có đám hiếu, đám hỷ - kiểu gì mấy con nghiện cũng “dựa hơi” mở chiếu gọi là góp vui hoặc chia buồn với gia chủ.

Xã hội càng hiện đại thói cờ bạc càng tệ hại và biến tướng khôn lường. Trong xóm, ngoài làng, tại mấy quán nước chè, hiệu sửa xe - cứ buổi chiều tầm ngoài 16 giờ chiều mà thấy đám trung niên, trai choai tập trung, kiểu gì cũng có chuyện. Và cờ bạc giống như ma túy, đã dính vào rất khó cai. Vốn đã có “căn” cờ bạc từ khi còn học cấp 2 trường làng, nên mới hơn 10 tuổi đầu, Thuận đã thuộc làu chắn cạ, xóc đĩa, phỏm, liêng, lô đề... Vậy nhưng cũng vì cái “tinh” ấy mà sự học của y cũng dừng ở năm lớp 8. “Tốt nghiệp” xong, sau mấy năm lêu lổng trong Nam ngoài Bắc với đủ thứ nghề lông bông, năm 21 tuổi Thuận lấy vợ.

Mấy năm đầu, Thuận tỏ ra tu chí với nghề hàn. Dẫu vất vả nhưng sau mấy năm, vợ chồng Thuận cũng mua được mảnh đất, cất gian nhà. Giá như cứ gắn bó với que hàn, máy cắt, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ ắt sẽ yên bình. Nhưng chỉ được mấy năm, Thuận cho rằng cái nghề hàn nó bạc. Dù vợ con và tứ thân phụ mẫu ra sức khuyên răn, nhưng Thuận vẫn bỏ ra TP làm nghề ship hàng. Thời gian đầu, tiền công vẫn chảy về ví vợ đều đều mỗi tháng hơn chục triệu bạc. Lúc đó, ai cũng mừng vì Thuận nói được, làm được. Đùng một cái, vào cuối tháng 4 năm ngoái, Thuận “báo” về cho gia đình số nợ hơn tỷ. “Nếu không trả, dân xã hội sẽ xiết nhà hoặc… xin tí tiết”. Xót con, thương chồng, cả gia đình hai bên nội ngoại vắt chân lên cổ xoay xỏa đủ đường, rồi cái cục nợ hơn tỷ cũng được trả xong.

Nằm bẹp nửa năm trời ở nhà, Thuận tiếp tục nhận lỗi, hứa sửa chữa và xin được đi làm; dẫu không còn tin vào điều hứa của y, nhưng chẳng nhẽ cứ nằm không ăn bám; gia đình đành phải để Thuận đi làm để… kéo cày trả nợ. Tuy nhiên việc trả nợ nhiều ít chửa thấy đâu, cách nay hơn tháng, Thuận tiếp tục “báo” về khoản 300 triệu đồng… Vậy là chưa đầy một năm trời, cờ bạc đã lấy đi cơ nghiệp của nửa đời còng lưng của Thuận và vợ con. Mấy hôm nay người ta thấy ông Nghênh bố đẻ Thuận treo biển bán nhà…