Phát triển làng nghề hoa gắn với ứng dụng KHCN
Tây Tựu là làng hoa lớn và truyền thống lâu đời của quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Với mong muốn học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo trong trồng hoa nên GS.TS Tsuji Kazunari - giảng viên Đại học Saga, Nhật Bản cùng đoàn công tác đã chọn làng hoa Tây Tựu làm điểm tham quan, học tập.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy làng hoa Tây Tựu có nhiều kinh nghiệm trong ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào trồng và chăm sóc hoa, từ đó, cho ra nhiều giống hoa chất lượng, đủ sức cạnh tranh với những loại hoa khác trên thị trường. Tôi sẽ đưa những kinh nghiệm quý báu đã học ở làng hoa Tây Tựu về chia sẻ lại với người trồng hoa ở quê hương tôi” - GS.TS Tsuji Kazunari - cho biết.
Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu Đoàn Mạnh Hùng cho biết, làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu được UBND TP Hà Nội công nhận từ năm 2016. Hiện tại, phường có 322,35 ha diện tích trồng cây và hoa. Người dân Tây Tựu thuê ngoài trên 700 ha tại các địa phương khác như: Tân Lập, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng,…
Thời gian qua, Tây Tựu đã tích cực triển khai Chương trình số 02-CTr/QU của Quận ủy Bắc Từ Liêm. Phường đã phối hợp với Sở KHCN Hà Nội xây dựng bộ tiêu chí cho các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (NHTT) Hoa Tây Tựu; xây dựng các tiêu chí về kỹ thuật trồng, hình dạng, kích thước, màu sắc, mùi,... cho 7 loại hoa: hồng, cúc, ly, kèn, đồng tiền...
Cùng với đó, phường đã xây dựng hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm mang NHTT “Hoa Tây Tựu”; xây dựng cẩm nang quảng bá và giới thiệu sản phẩm mang NHTT “Hoa Tây Tựu”.
Với kỹ thuật trồng hoa hiện đại, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo và sự hỗ trợ từ chính quyền, người dân có thể tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó gia tăng thu nhập. Nếu như, thu nhập bình quân theo đầu người của phường năm 2020 là 40 triệu/người thì đến năm 2024 là 55 triệu đồng/ người.
Thực tế cho thấy, trồng hoa là một nguồn thu nhập ổn định và bền vững không chỉ người dân Tây Tựu mà còn tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động tại các địa phương lân cận. Hàng năm, làng nghề hoa Tây Tựu góp phần giải quyết từ 480 – 500 lao động từ các địa phương khác đặc biệt là lao động phổ thông và những người không có trình độ cao.
Đặc biệt, qua các lớp đào tạo, tập huấn, người dân Tây Tựu được trang bị các kiến thức và kỹ năng về trồng hoa chất lượng cao, từ đó áp dụng các kỹ thuật mới và cải thiện quy trình sản xuất.
“Có thể khẳng định, việc thực hiện Chương trình 02 của Quận ủy góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực trồng hoa, kinh doanh xuất khẩu hoa tại Tây Tựu, giúp người dân nâng cao chất lượng hoa, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu và mở rộng thị trường” – ông Hùng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng đô thị sinh thái bền vững
Còn với ngành thuế, từ khi ứng dụng KHCN vào quản lý thuế, công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và mang lại nhiều tiện ích cho người nộp thuế.
Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bắc Từ Liêm Đỗ Viết Phong cho biết, CNTT cho phép cơ quan thuế thu thập, xử lý và lưu trữ dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác. Các hệ thống quản lý thuế như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hóa đơn điện tử giúp giảm thiểu sai sót và tăng cường tính minh bạch.
Đến nay, ngành thuế đã đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm từ 304 xuống còn 234 thủ tục. Kết quả này đã vượt mục tiêu về thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 20% quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Hệ thống dịch vụ thuế điện tử eTax đã hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các nghĩa vụ kê khai và nộp thuế trên một hệ thống duy nhất. Người nộp thuế chủ động tra cứu thông tin hồ sơ, nghĩa vụ thuế... với hàng triệu giao dịch hàng năm, áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% DN đang hoạt động khai thuế qua mạng, trên 99% DN thực hiện nộp thuế điện tử.
Trong 6 tháng năm 2024 đã tạo được 4.232 tài khoản điện tử, có 9.351 giao dịch thực hiện nộp thuế với tổng số thuế nộp thành công là 23.336 triệu đồng. “Có thể thấy, việc sử dụng hệ thống CNTT giúp giảm thiểu chi phí hoạt động, góp phần nâng cao năng lực điều hành, năng suất hoạt động của cơ quan thuế, giúp công tác quản lý thuế được hiệu quả” – ông Phong nói.
Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên cho biết, sau thời gian thực hiện Chương trình số 02-CTr/QU của Quận ủy, đến nay, quận hoàn thành 15/16 chỉ tiêu, trong đó có 6/16 chỉ tiêu của Chương trình vượt kế hoạch đề ra.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành thương mại- dịch vụ (từ 30,2% lên 34,6%) và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp (từ 1,7% xuống 0,8%), từng bước đưa thương mại, dịch vụ trở thành ngành có tỷ trọng chủ yếu trong các ngành kinh tế ở địa phương. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu TP giao.
Quận đã huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư với tổng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 trên 64.000 tỷ đồng. Số lượng DN đang hoạt động tăng trên 2.100 DN so với năm 2020. Các đơn vị đã ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để phát triển cả về nông nghiệp, du lịch, GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Chủ tịch UBND quận đề nghị thời gian tới các đơn vị tiếp tục thực hiện giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng đô thị sinh thái bền vững gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đến hết năm 2024.