Kinhtedothi – Trong những năm qua, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang định hướng phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực, tuy nhiên việc phát triển du lịch giữa các địa phương vẫn chưa được đồng bộ, còn manh mún, nhỏ lẻ.
Mặc dù có nhiều tiềm năng thế mạnh, nhưng các địa phương trong khu vực vẫn chưa khai thác hết những lợi thế vốn có của mình, đưa du lịch trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của khu vực.
Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê kông, gồm có 13 tỉnh và thành phố với diện tích khoảng 40.000 km2. Hệ sinh thái châu thổ đa dạng, vừa là vựa lúa lớn nhất nước ta vừa là nơi có nhiều điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương hướng phát triển du lịch tập trung phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu.
Năm 2023, tổng số khách đến ĐBSCL là 44.952.080 lượt, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế là 1.880.126 lượt, tăng 257,4 % với cùng kỳ năm 2022 . Doanh thu uớc đạt 45.743 tỷ đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ 2022.
Trong năm, đã diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch ĐBSCL. Tiêu biểu phải kể đến như: Tổ chức thành công chương trình Khảo sát điểm đến và Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành miền Trung và các tỉnh Tây Bắc; triển khai các hoạt động liên quan công tác quảng bá hình ảnh thương hiệu và hoạt động của hội viên Liên chi hội; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá ẩm thực trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Tuy nhiên, ngành du lịch của khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế như: Sự tương đồng về đặc thù sinh thái, cảnh quan thiên nhiên đã dẫn đến du lịch của vùng chưa phát triển mạnh so với các vùng khác trên bản đồ du lịch Việt Nam; kết nối giao thông còn rất hạn chế; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở nhiều nơi chưa đúng bản chất và theo yêu cầu; liên kết trong hoạt động phát triển du lịch của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn hạn chế chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Nhắc đến du lịch ĐBSCL nhiều du khách vẫn chỉ nghĩ đến những khu vực nổi tiếng như: Phú Quốc (Kiên Giang) Cần Thơ, Cà Mau, An Giang trong khi nhiều địa phương khác tiềm năng du lịch nhiều nhưng du khách chưa được “để ý” đến trong quá trình khám phá miền Tây sông nước.
Đáng chú ý trong quá trình khám phá du lịch miền sông nước, du khách từ nhiều nơi đổ về Cần Thơ tham quan chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều, Khu du lịch Mỹ Khánh và nhiều địa điểm nổi tiếng khác.
Đặc biệt, trong chuyến hành trình khám phá miền Tây nhiều du khách vẫn “ưa chuộng” khám phá những hòn đảo xinh đẹp, thơ mộng của xứ Kiên Giang như: Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn hay Thập vịnh Hà Tiên...khám phá rừng U Minh và thưởng những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Kiên Giang.
Khác với Kiên Giang, Cần Thơ hay những tỉnh, thành khác, An Giang là địa phương phát triển mạnh về du lịch tâm linh, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc – An Giang) đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, thắp hương cầu may đầu năm mới.. Bên cạnh đó, An Giang vẫn còn nhiều điểm hút khách như: Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch Đồi Tức Dụp, các điểm tham quan Cù lao Giêng, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn, Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (thành phố Long Xuyên), Rừng Tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), Khu Sinh Thái Cồn Én (huyện Chợ Mới)...
Các địa phương có nhiều tiềm năng thu hút khách như: Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre…. cũng đang tập trung khai thác thế mạnh đưa du lịch trở thành điểm sáng trong nền kinh tế địa phương, tuy nhiên việc giữ chân du khách khi đến tham quan tại các địa phương này vẫn còn là một bài toán mà nhiều địa phương đáng trăn trở.
Hiện nay các địa phương khu vực ĐBSCL đã xây dựng cho mình những thương hiệu du lịch nhất định như: Kiên Giang định hướng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; TP Cần Thơ chú trọng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; Đồng Tháp định hướng phát triển du lịch nông nghiệp; An Giang phát triển du lịch tâm linh kết hợp sinh thái…
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: Sở tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP, phát triển du lịch cộng đồng; phát triển các sản phẩm ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh.Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2021 – 2025.
Trong khi đó, An Giang và Đồng Tháp vừa phối hợp xây dựng sản phẩm tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên”, kết nối 2 địa phương. Qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của hai địa phương để giới thiệu cho du khách trong và ngoài tỉnh tham quan du lịch.
Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các loại du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch về nguồn. Địa phương đã phê duyệt ban hành đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh trong giai đoạn 2023 – 2025, định hướng 2030 đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển du lịch mang tính bền vững hướng đến mục tiêu cộng đồng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương đang hướng tới Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; xây dựng nhiệm vụ Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tăng cường liên kết, quảng bá, tổ chức đa dạng các sự kiện kích cầu phát triển du lịch, nhất là các hoạt động trong Chương trình sự kiện “Cà Mau – điểm đến 2024”.
---------------------
Nội dung: Hoàng Tuấn, Hồng Thắm
Trình bày: Duy Anh
10:37 19/03/2024