(Kinhtedothi) – Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều nơi ở ĐBSCL. Thực trạng khốc liệt này đã làm cuộc sống người dân khốn khó vì thiếu nước sản xuất và sinh hoạt, một số tỉnh đã buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp do thiên tai.
Theo số liệu của Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Đợt xâm nhập mặn xuất hiện từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4 phần nghìn lấn sâu vào các dòng sông từ 40-66 km. Là những tỉnh nằm giáp biển, lại là nơi lưu vực xa nhất của dòng sông Mekong, nên các tỉnh Nam sông Hậu gồm Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng là những địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, hạn mặn xâm thực. Thậm chí thiệt hại kép so với các địa phương khác ở ĐBSCL.
Hàng năm vào mùa khô hạn, tỉnh Cà Mau luôn phải đối diện với nạn hạn mặn, thiếu nước ngọt, sụt lún. Năm nay, thực trạng trên lại đang tái diễn và ảnh hướng nghiêm trọng hơn. Với địa lý nằm ngoài cùng trên vùng bán đảo Cà Mau, nên tỉnh này là địa phương chịu nhiều tác động nhiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, nước biển dâng hàng năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có 2.620 hộ gia đình đến thời điểm hiện tại bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Hiện nhiều hộ dân đang phải mua nước từ các ghe, tàu, xà lan với giá lên đến hơn 45.000 đồng/m3 để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn với nhiều hộ dân, nhất là các khu vực thiếu nước ngọt có đa phần người dân thu nhập không cao.
Đặc biệt nghiêm trọng hơn, ngoài thiếu nước ngọt, hiện nay người dân Cà Mau còn chịu thiệt hại kép khi phải đối mặt với tình trạng sụt lún và sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng do khô hạn ở vùng ngọt hóa ngày càng nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị chia cắt ảnh hưởng đến hàng chục ngàn hộ dân khác.
Ông Phan Hoàng Vũ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến ngày 12/4, 9 xã thị trấn trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã xảy ra sạt lở, sụt lún tổng số 132 tuyến, có 599 vị trí, với tổng chiều dài 15.868m, ước tính thiệt hại khoảng 22.087 triệu đồng.
Không những vậy, khô hạn đã khiến hệ thống kênh rạch ở hàng trăm ngàn héc ta (ha) rừng cạn nước. Dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất lớn, công tác phòng cháy chữa cháy đặc biệt khó khăn, trong số đó có hàng chục ngàn ha rừng tràm U Minh đang ở nguy cơ cấp V (đặc biệt nguy hiểm). Gần đây nhất, ngày 10/4/2024 đã xảy ra vụ cháy rừng ở huyện Trần Văn Thời, chỉ trong thời gian ngắn, 40 ha rừng tràm đã bị thiêu rụi.
Tại Kiên Giang, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2023-2024 đến sớm hơn khoảng nửa tháng, xâm nhập mặn trong 2 tháng đầu năm ở mức cao hơn. Đặc biệt, có 2 đợt xâm nhập mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng bất thường do hiện tượng nước dâng. Tháng 3/2024, do nguồn nước từ thượng nguồn về suy giảm mạnh, mưa trái mùa diễn ra ít, nắng nóng kéo dài dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao trên nhiều tuyến sông, kênh ở khu vực An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, sông Cái Lớn và Cái Bé.
Trong khi đó, đầu tháng 3/2024 đến nay, tình hình hạn hán diễn ra gay gắt trên địa bàn huyện U Minh Thượng, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm nước bốc hơi nhanh, khô cạn mặt nước trên các kênh trong khu vực vùng đệm U Minh Thượng đã xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún đường giao thông, nhà ở, ảnh hưởng đến sản xuất trong khu vực.
Theo báo cáo nhanh đến ngày 7/4 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện U Minh Thượng, tình hình sạt lở, sụt lún trên địa bàn xã Minh Thuận, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng diễn ra nghiêm trọng và diễn biến phức tạp.
Cụ thể, đường giao thông sạt lở, sụt lún và có nguy cơ sạt lở, sụt lún trên địa bàn xã Minh Thuận, xã An Minh Bắc lên đến 310 điểm với chiều dài gần 7.533mm, ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 105 tỷ đồng. Nguy cơ tiếp tục sạt lỡ trong thời gian tới có thể sẽ rất lớn, khoảng 1.515m; ước giá trị thiệt hại tăng thêm khoảng 76 tỷ đồng.
Nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, tỉnh Tiền Giang cũng đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu và tình trạng sử dụng nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn, cụ thể là tình hình xâm nhập mặn và thiếu nguồn nước sử dụng ở khu vực phía Đông của tỉnh. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2024 đến sớm hơn và lấn sâu hơn. Độ mặn khu vực sông Tiền cao hơn so với cùng kỳ các năm 2016, 2021 và 2023.
Đây còn là tỉnh đầu tiên của ĐBSCL công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Hạn, mặn đã khiến hàng chục ngàn hộ dân nơi đây bị thiếu nước sinh hoạt. Với phương châm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, tỉnh Tiền Giang đã mở hơn 60 vòi công cộng cấp nước miễn phí; nhiều tổ chức, cá nhân cũng dùng xe bồn chở nước ngọt đến vùng khô hạn phát miễn phí cho người dân...
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL trước hết là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa. Bên cạnh đó, ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết: Biến đổi khí hậu - nước biển dâng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái và sinh kế của cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL.
Trong những năm gần đây, vấn đề hạn mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở biển Đông và biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn.
Lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít là một trong những yếu tố rất được quan tâm, không chỉ riêng ở Việt Nam mà của các nước trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngoài một số yếu tố tự nhiên nêu trên, con người cũng là yếu tố góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung cho rằng, việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất làm sụt lún đồng bằng, việc khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quá trình đưa nước mặn vào.
---------------------
Nội dung: Hoàng Nam – Hồng Thắm – Hoàng Tuấn
Trình bày: Duy Anh
06:42 23/04/2024