Hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng: Gạch nối đến tương lai

Bài 1: Những mảnh ghép chiến lược

Thế Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong định hướng phát triển của mình, Hà Nội đã xác định hệ thống 18 cầu vượt sông Hồng...

Đây là những mảnh ghép chiến lược, không chỉ giúp cân bằng tốc độ đô thị hóa giữa hai bờ Nam - Bắc, mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, củng cố vị thế hạt nhân trung tâm Vùng Thủ đô của Hà Nội.

Bài 1: Những mảnh ghép chiến lược

Từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội đã trở thành một đại đô thị với rất nhiều tiềm năng và cơ hội. Thế nhưng, với đặc thù là TP bên sông Hồng, Hà Nội cần hoàn thiện hệ thống 18 cầu vượt sông - những mảnh ghép chiến lược mới có thể phát triển cân đối, đồng bộ và bền vững.

Cách biệt giữa hai bờ Nam - Bắc

Lịch sử phát triển hàng ngàn năm qua của Hà Nội đã luôn gắn chặt với dòng sông Hồng. Và chiến lược phát triển trong tương lai của TP cũng đã được xác định lấy trục không gian ven sông Hồng làm trung tâm đô thị. KTS Phạm Thanh Tùng nhận định, trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô. Còn hiện tại, không gian sông Hồng đã được xác quyết là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội.

Cầu Long Biên. Ảnh: Lê Việt
Cầu Long Biên. Ảnh: Lê Việt

Một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa chiến lược đó là phải có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối khoa học, liên lạc, cân đối với nhu cầu phát triển. Trên thực tế, Hà Nội còn thiếu nhiều cầu vượt sông Hồng, khiến một số trục giao thông trọng yếu đứt gãy. Hệ lụy tất yếu là sự chênh lệch, mất cân đối giữa bờ Nam sông Hồng (khu vực đô thị trung tâm) và bờ Bắc (các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Đông An, Sóc Sơn…). Trong khi bờ Nam có mật độ dân cư rất cao, sản xuất, thương mại sầm uất, kéo theo áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề thì bờ Bắc lại còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chia sẻ, việc giao lưu vận tải giữa bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cầu đường. Trước đây chúng ta có một số cầu lớn như Thăng Long, Chương Dương, sau đó xây dựng thêm được cầu Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, đều là những cây cầu vô cùng quan trọng đối với Hà Nội. Nhưng thực tế là số lượng cầu bắc qua sông Hồng chưa bao giờ đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa cũng như giao thương phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Việc thiếu các cầu lớn qua sông dẫn đến sự mất cân đối trong phát triển đô thị. Bên bờ Nam phát triển rất nhanh, mật độ dân cư đông, trong khi bờ Bắc dù có nhiều tiềm năng lại chưa đạt được như kỳ vọng do thiếu sự kết nối với khu vực đô thị trung tâm. Thực tế đó đòi hỏi TP phải xây dựng thêm nhiều cầu để kết nối và tạo điều kiện cho bờ Nam hỗ trợ bờ Bắc sông Hồng, hướng tới sự phát triển toàn diện, đồng đều của Thủ đô.

“Thời gian tới, khi Hà Nội hoàn thành quy hoạch phát triển 2 bên bờ sông Hồng, thì nhu cầu vận tải vượt sông về hàng hóa cũng như hành khách là rất lớn, chưa kể đến yếu tố du lịch đường sông và đường bộ. Nếu chậm đầu tư các cây cầu có thể ảnh hưởng đến chiến lược phát triển đô thị ven sông của Hà Nội” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.

Đồng quan điểm, thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Giao thông là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển của mỗi địa phương. Giữa hai bờ Nam - Bắc sông Hồng hiện còn thiếu những chiếc bản lề định tuyến, kết nối giao thông. Đó là những cây cầu vượt sông quy mô lớn, có năng lực đáp ứng cho sự phát triển hàng trăm năm tới”.

Các chuyên gia cho rằng, vai trò và tính cấp thiết của mỗi cây cầu vượt sông Hồng không chỉ gói gọn trên một trục giao thông hay trong một khu vực đơn lẻ.

Áp lực đô thị hóa trong khu trung tâm Hà Nội đang căng cứng như một dòng nước lũ bị ngăn vây bởi “dải đập” sông Hồng. Do đó, TP đang rất cần những cây cầu để khép kín các vành đai giao thông lớn, mở hướng phát triển về phía những vùng đất giàu tiềm năng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên…

Nhu cầu bức thiết

Sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), nhu cầu kết nối giữa hai bờ Nam - Bắc sông Hồng lại càng trở nên bức thiết. Bởi vậy, trong Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Trong đó 7 cây cầu đã được xây dựng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân và Vĩnh Thịnh, Văn Lang (cầu Việt Trì - Ba Vì). Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) đang được gấp rút hoàn thành.

Còn lại là các dự án cải tạo nâng cấp cầu Long Biên thành cầu cho đường bộ đi riêng; xây dựng mới các cầu: Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát (Vành đai 3,5), cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - QL5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Thạc sĩ Phan Trường Thành chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn nhận đơn lẻ sẽ không thể thấy hết vai trò và tính cấp thiết của các cây cầu vượt sông Hồng trong hệ thống giao thông khung của Hà Nội”. Ví dụ như cầu Vĩnh Tuy đã được tính toán để khớp nối trên một trục với cầu Giang Biên bắc qua sông Đuống, thông đến tỉnh Bắc Ninh và đấu nối vào Vành đai 3. Hướng kết nối này cũng sẽ thu ngắn khoảng cách từ cầu Vĩnh Tuy đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Hay để giảm tải cho Vành đai 3 và QL32, Hà Nội đang rất kỳ vọng vào việc kết nối các đoạn tuyến có sẵn của Vành đai 3,5. Trong đó, cây cầu Thượng Cát giữ vai trò rất quan trọng, là mảnh ghép thiết yếu trên “trục lõi” từ cửa ngõ Tây - Bắc sang phía Nam Thủ đô.

Dự án cầu Thượng Cát sẽ bao gồm cả đường dẫn hai đầu cầu, dài 4,5km, mặt cắt 60m, điểm đầu cầu khớp nối với Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát - QL32. Điểm cuối tại vị trí nút giao với đường khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long tại xã Đại Mạch (Đông Anh). Sự hiện diện của cầu Thượng Cát sẽ rút ngắn khoảng cách từ khu vực Bắc Từ Liêm, Hoài Đức đến KCN Bắc Thăng Long và QL5 kéo dài.

Cầu Mễ Sở, theo quy hoạch sẽ đặt tại khu vực bến phà Mễ Sở, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, nối sang huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), mở ra hướng lưu thông giảm tải cho QL5. Đây cũng là một trong những cây cầu được giới chuyên gia đánh giá mức độ ưu tiên cao nhất của Hà Nội. Bởi cầu Mễ Sở nằm trên tuyến Vành đai 4, kết nối đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, mở hướng tránh khu vực đô thị trung tâm Thủ đô, giảm tải rất lớn cho Vành đai 3.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, từ nay đến năm 2030, TP sẽ tập trung vào việc khép kín các vành đai, bổ sung kết nối các tuyến hướng tâm và đặc biệt là xây dựng thêm một số cây cầu vượt sông Hồng. Những cây cầu này là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa của khu vực phía Bắc sông Hồng và Đông Vành đai 4, tạo nên sức hút đối với dân cư và cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, du lịch...

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần