Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 1

Lãnh đạo TP đã nêu cam kết năm 2023 phải làm “sống lại” các công viên trên địa bàn, lời hứa đó bắt đầu bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Như vậy câu chuyện về những “lá phổi xanh” cho TP sẽ được đánh thức sau thời gian ngủ quên ngay giữa trung tâm đã được khởi dựng bằng việc hạ rào sắt công viên. Tuy nhiên, hạ rào sắt chỉ là vấn đề cơ học, loạt bài muốn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, lĩnh vực văn hóa bàn thảo về giải pháp để hồi sinh văn hóa công viên cho Hà Nội, tiếp cận với xu hướng phát triển công viên của thế giới.

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 2

Mảng xanh từ công viên, vườn hoa là thành phần không thể thiếu trong bất cứ loại đô thị nào, nó có vai trò quan trọng trong môi trường sinh thái, trong tổ chức môi trường sống của con người và tạo lập cảnh quan đô thị. Từ thời là TP thuộc địa hay khi đất nước còn chiến tranh, Hà Nội đã quan tâm dựng xây những công viên đô thị của riêng mình.

Quang cảnh công trường xây dựng hồ Bảy Mẫu ngày 30/11/1958 (ảnh tư liệu).
Quang cảnh công trường xây dựng hồ Bảy Mẫu ngày 30/11/1958 (ảnh tư liệu).
Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 3

Theo trí nhớ của nhà văn Đỗ Phấn – một người con sinh sống ở Hà Nội từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi còn là học sinh cấp 3 (cấp THPT ngày nay), từng tốp thanh niên của Thủ đô nô nức đào đất, trồng cây, tạo dựng từng hạng mục của Công viên Thống Nhất. “Sau ngày được giải phóng (10/10/1954), Hà Nội bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế. Chiều thứ Bảy hằng tuần, người dân tấp nập tham gia tổng vệ sinh. Chủ nhật là “ngày lao động kiến thiết tổ quốc”. Rất nhiều công trình nhà máy Cơ khí Hà Nội, Diêm Thống Nhất, Gỗ Cầu Đuống... được tạo ra từ chương trình “ngày lao động kiến thiết tổ quốc” này. Và Công viên Thống Nhất được xây dựng nên từ hàng chục vạn ngày công của thanh niên Hà Nội từ cuối năm 1958 đến tháng 5/1961” – nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ.

Không chỉ có người dân Hà Nội, mà rất nhiều tầng lớp thanh niên làm việc và học tập thời kỳ đó đã chung tay đóng góp để xây dựng Công viên Thống Nhất. Để rồi, hơn 60 năm sau, hàng ngàn người dù đã trở về quê hương ở Thanh Hóa, Nghệ An hay các tỉnh thành phía Bắc, dù đã bước vào cái tuổi ngoài 70 nhưng mỗi lần về thăm Hà Nội lại muốn trở về Công viên Thống Nhất để ngắm từng cây xanh, rãnh nước – nơi in dấu nét lao động thời thanh xuân của họ.

Các hoạt động trồng cây và vui chơi tại Công viên Bách Thảo và Công viên Thống Nhất trong giai đoạn 1960-1965 (ảnh tư liệu)
Các hoạt động trồng cây và vui chơi tại Công viên Bách Thảo và Công viên Thống Nhất trong giai đoạn 1960-1965 (ảnh tư liệu)

Nói như KTS Phạm Thanh Tùng: Ngay sau khi Giải phóng Thủ đô, kinh tế còn khó khăn sau hậu quả chiến tranh, TP Hà Nội đã quan tâm xây dựng những công trình là lá phổi xanh cho mình. Đó chính là những không gian xanh từ thời bao cấp. Để rồi, Công viên Thống Nhất trở thành biểu tượng của thời thanh xuân hăng say lên đường xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Công viên Thống Nhất đã như một biểu tượng sinh động cho khát vọng hòa bình. Hình ảnh Công viên Thống Nhất luôn được lưu lại trong ba lô người lính Hà Nội một thời, theo bước chân họ vượt Trường Sơn đến những những miền xa xôi của đất nước, như thể mang theo một sức mạnh tâm linh diệu kỳ.

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 4

Ngày nay, thế hệ trẻ vẫn còn tìm thấy được những ý nghĩa thống nhất linh thiêng đó trong những dòng nhật ký có lửa của một người con Hà Nội - bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Trong cuốn nhật ký đó, ở những dòng cuối cùng, nữ bác sĩ đã viết “16/6/1970: ... Những ngày này nhớ miền Bắc tha thiết, nhìn trời râm mát mình nhớ những buổi chiều mình cùng các bạn ung dung trên chiếc xe dạo qua vườn ươm cây, những luống hoa pensées rực rỡ như những đàn bướm đậu trên mặt đất, những đóa hồng ngào ngạt hương thơm... Mình nhớ cả khóm liễu tường trong vườn thực vật - bông hoa Phương thường hái về cắm trong nhà. Ôi miền Bắc xa xôi, bao giờ ta trở lại?/... 18/6/70.... Ôi! Cuộc sống đổi bằng máu xương, tuổi trẻ của bao nhiêu người. Biết bao nhiêu cuộc đời đã chấm dứt để cho cuộc đời khác được tươi xanh. Miền Bắc ơi có thấu hết lòng miền Nam không nhỉ?”. Trong những kỷ vật lưu lại của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cũng có bức ảnh liệt sĩ chụp cùng các sinh viên khoá Y6 trên bãi cỏ Công viên Thống Nhất chụp năm 1965. Bức ảnh có 3 người con gái tuổi 20 chụm đầu bên một trang sách, xa xa là Đại học Bách Khoa.

Nhưng công viên lâu đời nhất của Hà Nội lại không phải là Công viên Thống Nhất mà là Công viên Bách Thảo. Theo Nhà sử học Lê Văn Lan: “Lịch sử vẫn còn ghi lại những năm 90 của thế kỷ XIX người Pháp đã tổ chức xây dựng Vườn Bách Thảo (nay còn gọi là Công viên Bách Thảo). Ban đầu người ta định dùng nó làm vườn thí nghiệm trồng cây nhiệt đới, rồi theo biến đổi của thời gian và lịch sử, Vườn Bách Thảo đã trở thành một công viên có các loại chim thú và đã có thời được gọi là Vườn Bách Thú. Cho dù đến nay dù diện tích Vườn Bách Thảo đã thu hẹp còn 1/3 so với ban đầu nhưng nơi đây vẫn được mệnh danh là “góc xanh bình yên giữa lòng Hà Nội”.

Công viên Thủ Lệ là công viên được xây dựng muộn nhất (năm 1975-1977) trong số 3 công viên (Bách Thảo, Thống Nhất, Thủ Lệ) được điểm danh là công viên đời đầu của Thủ đô Hà Nội. Nhưng nơi đây cũng là hồi ức của bao thế hệ người dân khi về với Thủ đô. Công viên Thủ Lệ là công trình được quan tâm xây dựng ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Công viên Thủ Lệ có diện tích lên đến 28ha, trong đó có đến 6ha là hồ nước, còn lại là đất nền, khu vui chơi, vườn thú và cây xanh. Bên trong khuôn viên có một mặt hồ lớn hình oval giống như giọt nước mắt. Cũng chính vì đặc điểm này mà cái tên Thủ Lệ được hình thành.

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 5

133 năm kể từ khi Hà Nội có công viên đầu tiên (Bách Thảo – 1890), đến nay, hệ thống công viên ở Hà Nội ngày càng phát triển về số lượng công viên, song song là diện tích vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Các công viên được khởi dựng trong giai đoạn những năm đầu thế kỷ XXI để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của các đô thị mới tại Hà Nội.
Các công viên được khởi dựng trong giai đoạn những năm đầu thế kỷ XXI để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của các đô thị mới tại Hà Nội.

Cụ thể, theo danh mục theo Quy hoạch tại Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 và tại Danh mục Quyết định số 1640/QĐ-UBND ngày 09/03/2017 của UBND TP, tổng diện tích 3 công viên thành lập sớm nhất tại Hà Nội gồm: Bách Thảo, Thống Nhất, Thủ Lệ là 81,5ha, diện tích mặt nước 31,52ha; diện tích mảng cỏ, thảm cỏ duy trì là hơn 200.740m2.

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 6

Đến nay, tại hầu hết các quận trên địa bàn Thủ đô đều đã có công viên. Nổi bật, quận Hoàng Mai có 4 công viên (Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, công viên Đền Lừ). Với việc có thêm 10 công viên, tổng công viên trên địa bàn Thủ đô là 13 công viên; nâng tổng diện tích từ 81,5ha lên 154,36ha (tăng 52,7%); diện tích mặt nước tăng từ 31,52ha lên 58,04ha (tăng 54,03%); diện tích mảng cỏ, thảm có duy trì từ 200.704m2 tăng lên 367.012m2 (tăng 54,6%).

Mặt khác, tính chất của các công viên cũng đa dạng hơn. Trước đây, công viên ở Hà Nội chỉ có hai tính chất phục vụ nhu cầu người dân (Công viên Bách Thảo, Thủ Lệ có tính chất là công viên chuyên đề; Công viên Thống Nhất Công viên trung tâm đô thị), đến nay đã có thêm những công viên có tính chất về công viên văn hóa tổng hợp như: Công viên nghỉ ngơi India Gandhi (Ba Đình); Công viên văn hoá nghỉ ngơi Linh Đàm (Hoàng Mai); Công viên khu nhà ở Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai)…

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 7

Bà Lâm Ánh Nguyệt - Việt kiều sinh sống tại Anh chia sẻ: Những ai xa Hà Nội cách đây chừng mươi năm, giờ trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự đổi thay của Thủ đô. Ở Công viên Thống Nhất, đường dạo, tiểu cảnh hài hòa với kiến trúc; nhiều nơi được trồng thêm hoa, cây cảnh, lắp đặt đèn chiếu sáng, vật kiến trúc, ghế ngồi, thùng rác. Vì vậy, công viên ở Hà Nội thu hút nhiều người hơn, có những bạn trẻ đến học vẽ tranh, tập thể dục; những cụ già tập dưỡng sinh, những gia đình chơi đùa trên cỏ xanh… Nhìn nét mặt, ai đấy đều vui vẻ trong không gian thoải mái, trong lành.

Thế nhưng câu chuyện về tạo dựng các không gian văn hóa công viên ở Hà Nội mới chỉ là bước đầu. Bởi vì, cũng nhiều năm rồi, ba công viên lâu đời nhất của Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. Có những khi người dân sợ đến công viên vì nạn móc túi, kim chích ma túy còn vương vãi. Rất nhiều chủ đầu tư khi xin cấp phép xây dựng đô thị đã để những khoảng đất tối thiểu xây công viên, nhưng rồi khi thực hiện lại bỏ quên hạng mục này. Và cũng phải thừa nhận, những công viên hiện có chưa mang đến không gian sáng tạo thể hiện bản sắc Hà Nội để những nơi đó trở thành điểm hẹn văn hóa - nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí hấp dẫn và bền vững của mọi người dân Thủ đô, đặc biệt với thế hệ trẻ. Thế nên câu chuyện hồi sinh công viên đang được lãnh đạo TP Hà Nội cấp thiết đặt ra trong giai đoạn 2021-2025.

Bài 1: Thuở ban đầu dựng xây - Ảnh 8

18:22 06/08/2023