[Nâng cấp công viên, vườn hoa đô thị - Cải thiện diện mạo đô thị]

Bài 2: Chỉnh trang đô thị bắt đầu từ hệ thống công viên, vườn hoa

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng vừa thiếu, vừa yếu và chưa phát huy được giá trị vốn có, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cụ thể cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Khu công viên Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Xuân Mạnh
Khu công viên Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Ảnh: Xuân Mạnh

Nhiều ý kiến cho rằng, khi kế hoạch được hoàn thành không chỉ tạo nên diện mạo mới cho cảnh quan đô thị mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.

Quyết tâm với kế hoạch cụ thể

Theo kế hoạch mới ban hành vào cuối tháng 12/2021, từ nay đến năm 2025 TP sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo hai cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp. Cụ thể, đối với công viên, vườn hoa cải tạo, nâng cấp mức độ 1 gồm có 3 công viên và 10 vườn hoa. Trong đó, 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan; thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ; kế thừa các hạng mục mới được đầu tư sửa chữa; trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh; nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, hệ thống cấp thoát nước, bể phun… Đáng chú ý, TP yêu cầu công viên Thống Nhất cần nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp theo hướng công viên mở. Còn lại 10 vườn hoa được cải tạo cấp độ 1 chủ yếu nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đối với công viên, vườn hoa cải tạo, sửa chữa mức độ 2 gồm 10 công viên và 22 vườn hoa. Đây là các công viên, vườn hoa có vị trí ít quan trọng, hoặc có chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xuống cấp cục bộ, chỉ thực hiện cải tạo, sửa chữa mức độ cơ bản trên cơ sở giữ nguyên hình thức kiến trúc cảnh quan. Trong đó, chủ yếu cải tạo, sửa chữa như lát và bó vỉa lại hệ thống đường dạo, bồn hoa, trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh, sửa chữa hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, bể phun, bổ sung thay thế ghế ngồi, thùng rác...

Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa hiện có, TP cũng yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương tập trung phối hợp, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành 6 công viên mới, gồm Công viên Chu Văn An (dự án 2 - công trình kiến trúc), Công viên CV1, Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Văn hóa Kim Quy, Công viên hồ Phùng Khoang, Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 03 của Thành ủy với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị. Với Kế hoạch cụ thể, chi tiết nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa trong giai đoạn 2021 – 2025 là một trong những động thái tích cực cho thấy TP đang nhanh chóng đưa chủ trương của Thành ủy vào thực tế cuộc sống.

Phân cấp để thực hiện hiệu quả

Để triển khai kế hoạch hiệu quả và sớm hoàn thành, UBND TP đã thực hiện việc phân cấp triệt để, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành TP Hà Nội làm chủ đầu tư các công viên: Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất, Hòa Bình bằng nguồn vốn ngân sách TP, còn lại giao UBND các quận làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách quận. Các công viên, vườn hoa sau khi được các chủ đầu tư hoàn thành cải tạo, nâng cấp sẽ thực hiện bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu, duy trì theo phân cấp.

Là địa bàn có nhiều công viên, vườn hoa được cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn này (3 công viên, 7 vườn hoa), trong đó quận Ba Đình làm chủ đầu tư 1 công viên India Gandhi, 7 vườn hoa. Hiện quận đang khẩn trương triển khai thực hiện theo kế hoạch của TP. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận sẽ thực hiện việc cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa hiện có đảm bảo phù hợp với quy hoạch, cảnh quan khu vực, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.

Việc cải tạo nâng cấp được thực hiện có lộ trình đảm bảo phù hợp với nguồn lực của quận; đồng thời, khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp vườn hoa, công viên hiện có trên địa bàn quận. Sau khi được cải tạo, quận sẽ phân công rõ trách nhiệm cho các phòng, ban, UBND các phường và các đơn vị trong công tác quản lý, duy tu, duy trì, vận hành theo phân cấp.

Tương tự, Trưởng phòng Đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho hay, cuối năm 2021 quận đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đối với 3 công viên trên địa bàn. Trong đó, 2 công viên Bắc Linh Đàm, hồ Đền Lừ nằm trong kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Các công viên này sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đường dạo, chiếu sáng, thoát nước…; trồng bổ sung cây xanh trong khuôn viên; bố trí trang thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời phục vụ nhu cầu của Nhân dân.

Bên cạnh đó, quận cũng sẽ đầu tư xây dựng mới 12 vườn hoa, sân vui chơi, trồng cây xanh và đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên ô cây xanh quy hoạch đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xung quanh, bố trí trang thiết bị thể dục thể thao ngoài trời tạo thành khu vui chơi cộng đồng.

Một trong những vấn đề đang được người dân và dư luận quan tâm là công viên Thống Nhất nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng sẽ được nghiên cứu theo hướng mở, không thu vé vào và có thể bỏ hàng rào để người dân dễ tiếp cận. Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam chia sẻ, trên địa bàn quận có hai công viên diện tích lớn là Tuổi trẻ và Thống Nhất nhưng hiện nay sử dụng kém hiệu quả, chủ yếu là để trông xe và một số người dân vào tập thể dục.

“Hiện quận đã xây dựng đề án tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang kết nối không gian công viên Thống Nhất. Khi tuyến phố đi bộ đi vào hoạt động thì công viên Thống Nhất phải là công viên mở mới khai thác hiệu quả. Do đó, quận đã đề xuất TP sớm có phương án xử lý dứt điểm những tồn tại ở công viên Tuổi trẻ và cải tạo công viên Thống Nhất thành công viên mở” ông Nguyễn Văn Nam thông tin.

 

Theo kế hoạch UBND quận Ba Đình làm chủ đầu tư 1 công viên India Gandhi, 7 vườn hoa: Lê Trực, Vạn Xuân, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Trúc Bạch, tiểu cảnh bãi nhãn, khu vực hồ Giảng Võ. UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư 10 vườn hoa: Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, cổ Tân, Bác cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng. UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư 3 vườn hoa: Thanh Niên, Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng. UBND quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư 4 vườn hoa: Pasteur, Tăng Bạt Hổ 1,2; Yec - Xanh (Nguyễn Cao); Thiền Quang. UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư 4 công viên: Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Đền Lừ; 2 vườn hoa: Hoàng Văn Thụ, Định Công. UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư công viên Ba Mẫu; 4 vườn hoa: Đại học Thủy Lợi, Đại học Công Đoàn, 1-6, Đào Duy Anh. UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư 2 công viên: Nghĩa Đô, Cầu Giấy. UBND quận Hà Đông làm chủ đầu tư công viên Nguyễn Trãi, vườn hoa Hà Đông. UBND quận Long Biên làm chủ đầu tư vườn hoa Ngọc Lâm.


(Còn nữa)