Quy hoạch để phát triển đô thị vùng huyện Hà Nội văn minh, giàu bản sắc

Bài 2: Đánh thức tiềm năng dải đô thị phía Tây Bắc Thủ đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với tiềm năng nổi trội về du lịch văn hóa, lịch sử, nông nghiệp xanh..., các địa phương Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... đang được định hướng quy hoạch, phát triển thành các đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, trong đó lấy du lịch là mũi nhọn đột phá.

Nhiều giá trị từ những vùng đất cổ

Từ năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, các địa phương khu vực phía Tây Bắc của Thủ đô gồm Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm đầu tư của TP và nỗ lực vươn lên, khu vực này đã nhanh chóng phát triển với diện mạo mới nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy được những nét văn hóa độc đáo xứ Đoài.

Phải khẳng định, mỗi địa phương ở khu vực này đều có điều kiện tự nhiên tương đối phong phú và đa dạng, có những tiềm năng và lợi thế phát triển rất riêng.

Sơ đồ minh họa định hướng phát triển đô thị các địa phương phía Tây Bắc Thủ đô
Sơ đồ minh họa định hướng phát triển đô thị các địa phương phía Tây Bắc Thủ đô

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ, Ba Vì có diện tích lớn nhất Thủ đô, chiếm trên 12% diện tích toàn TP. Huyện có nhiều tiềm năng nổi trội, đặc biệt là du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái... Ngoài ra, huyện cũng có tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Đây là những tiềm năng, lợi thế để định hướng phát triển cho huyện sau này.

Đối với thị xã Sơn Tây được xác định là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, trong lịch sử là trung tâm của Văn hóa Xứ Đoài, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Là đô thị hình thành từ lâu đời, vùng đất đặc thù và đậm đặc bản sắc riêng về văn hóa, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể như (thành cổ Sơn Tây, đình, đền chùa, làng cổ Đường Lâm…).

Tiềm năng phát triển của thị xã không nhỏ khi có địa thế đẹp, nằm bên cạnh hồ Xuân Khanh, quỹ đất rộng lớn, địa hình là vùng gò đồi bán sơn địa rất thuận lợi để phát triển đô thị, nhất là gắn với khu Công nghệ cao
Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội để hình thành khu đại học quy mô lớn. Môi trường tự nhiên của Sơn Tây rất thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng sống và phát triển du lịch sinh thái.

Do nằm trong quy hoạch phát triển nông nghiệp và vành đai xanh của Thủ đô, lại mang trong mình nét trầm tích của lịch sử, nơi giao thoa của nhiều sắc màu văn hóa ven sông Hồng..., huyện Phúc Thọ đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp sinh thái.

Hiện Phúc Thọ đã có những định hướng phát triển nhất định cho những sản phẩm nông nghiệp như rau muống tiến Vua, bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam… Huyện còn khuyến khích người dân xây dựng nhà kiểu truyền thống, với mật độ thấp để bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa xưa cũ.

Bên cạnh đó, huyện cũng có điều kiện thuận lợi trong thu hút được nhiều nguồn lực để kiến tạo không gian xanh đô thị theo hướng sinh thái khi Hà Nội đang đẩy mạnh quá trình chuyển dịch vùng lõi nội đô vốn đất chật người đông sang những trung tâm mới tại phía Tây.

Trong số các địa phương tại khu vực Tây Bắc Thủ đô này, cõ lẽ Đan Phượng là huyện có sự chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây. Huyện luôn dẫn đầu TP về xây dựng nông thôn mới và đang từng bước đạt tiêu chí thành quận của Thủ đô. Trong tương lai gần đây sẽ là khu vực phát triển mới của đô thị trung tâm nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa xứ Đoài.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng phát triển của huyện thời gian tới là đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến; coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa.

Cấp thiết kết nối giao thông

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (một trong những đơn vị thuộc liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho hay, từ những tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, trong phương án phát triển nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã đưa ra nhiều điểm mới, đột phá ở khu vực phía Tây Bắc Thủ đô.

Cụ thể, đề xuất gia tăng kết nối để hình thành trung tâm du lịch vùng Thủ đô Ba Vì - Sơn Tây (Sơn Tây là cửa ngõ - Ba Vì là trung tâm), là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ. Nhằm gia tăng liên kết vùng, đề xuất đường sắt đô thị từ Hòa Lạc kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn.

Cần khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng; hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ… Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp. Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, TOD phía Đông Vành đai 4.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, quy hoạch phát triển giai đoạn tới cần phải làm thế nào đó để phát huy cao độ văn hóa xứ Đoài ở địa phương trong tổng thể phát triển Thủ đô Hà Nội “văn hiến - văn minh - hiện đại”.

“Điểm nghẽn” của 4 địa phương hiện nay là kết nối giao thông còn yếu, phương án quy hoạch chỉ tập trung kết nối đường bộ, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố kết nối từ đường vành đai, đường sông…

Trong khi đó, sông Hồng vẫn là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô, sản sinh ra văn hóa. Do đó, tư vấn nên tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng trong chức năng khu vực vùng lõi của văn hóa xứ Đoài này.

Chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ chia sẻ, với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua thị xã Sơn Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị bền vững gắn với phát triển du lịch.

 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, các địa phương Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì và thị xã Sơn Tây với đặc trưng văn hóa xứ Đoài đã trở thành vùng văn hóa đặc sắc của Thủ đô. Để gìn giữ và phát huy nguồn lực quý giá đó, trong phương án quy hoạch cần tính đến phương án kết nối vùng văn hóa đặc biệt này với các vùng văn hóa khác trên địa bàn TP cũng như Vùng Thủ đô. Quy hoạch Thủ đô không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, đô thị mà cần phải bám sát định hướng của Bộ Chính trị và Thành ủy
Hà Nội đó là ưu tiên văn hóa và con người, đây vừa là mục tiêu vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải

 

Trong đó, Sơn Tây chú trọng xây dựng các tour, tuyến tham quan tại các di tích nổi tiếng của địa phương như: Thành cổ, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên, đền Măng, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, khu du lịch Đồng Mô, các điểm nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sơn Tây cũng xây dựng và đưa vào khai thác phố đi bộ với nhiều hoạt động phong phú, trở thành điểm đến mới hấp dẫn người dân và du khách.

Do vậy, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn bổ sung phát triển thêm về các không gian du lịch như hồ Đồng Mô, sông Hang, sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ gắn với các thiết chế văn hóa; hệ thống giao thông bổ sung thêm các tuyến 414B, 417, Thành cổ Sơn Tây - Đền Và - Phùng Hưng - Ngô Quyền…
(Còn nữa)