Phát triển đảng viên trẻ: Lan tỏa tinh thần cống hiến

Bài 2: Động lực nuôi dưỡng ý chí

Thủy Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Khi nói về việc tổ chức cơ sở Đảng cần quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là học sinh ưu tú tại trường THPT, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ Trương Thị Mai bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất mừng và hy vọng, vì các bạn này bước chân vào Đảng, Đảng yên tâm”.

>>> Bài 1: Bước ngoặt lớn trong cuộc đời

Một buổi sinh hoạt của 6 thành viên trong Câu lạc bộ đoàn viên ưu tú của trường THPT Yên Hoà
Một buổi sinh hoạt của 6 thành viên trong Câu lạc bộ đoàn viên ưu tú của trường THPT Yên Hoà

Nhân tài có đạo đức, có lý tưởng

Công tác phát triển đảng viên trong học sinh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cá nhân, Đảng bộ nhà trường mà rộng hơn nữa là với sự phát triển của toàn Đảng. Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”. Với lực lượng đoàn viên nòng cốt là học sinh, trường học chính là mảnh đất nhiều tiềm năng để ươm mầm những “hạt giống đỏ”.

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ, kế hoạch tạo nguồn đảng viên trong học sinh đi theo định hướng phát triển trường Amsterdam vừa hồng vừa chuyên, nhằm đào tạo những thế hệ nhân tài không chỉ giàu năng lực nghiên cứu khoa học, có trình độ học vấn cao mà còn có đạo đức, lý tưởng và tinh thần trách nhiệm cao. Do đó, dù tiếp tục theo học tại các trường đại học trong nước hay theo đuổi dự định du học nước ngoài, học sinh sẽ luôn giữ vững tinh thần vì nước, vì dân.

Là những học sinh sớm được bồi dưỡng theo định hướng trên, cả ba học sinh Quốc Bảo, Đình Minh, Hải Đăng (trường Amsterdam) luôn xác định rõ nhiệm vụ rèn luyện bản thân để đáp ứng được tiêu chí trở thành một đảng viên. Chính quá trình rèn luyện, phát triển bản lĩnh đảng viên đã giúp các em có động lực và nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm trong học tập cũng như trong các hoạt động xã hội.

Từ năm học lớp 10 đến nay, các học sinh này luôn đạt điểm trung bình các môn hằng năm trên 9.0 và đạt được nhiều thành tích đặc biệt trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Trong công tác Đoàn, các em đều tích cực tham gia các hoạt động và đảm nhiệm những vị trí cán bộ của Đoàn trường. Trong các hoạt động xã hội, cả ba học sinh đều là những “mũi nhọn”.

Đó chính là minh chứng cho tính hiệu quả của kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên trong học sinh tại trường THPT. Điều này không chỉ góp phần giải quyết tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn” ở thế hệ trẻ ngày nay, mà còn giúp Đảng cho một đội hậu bị kế tiếp chất lượng.

Năm học vừa qua, trường Amsterdam đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện và bồi dưỡng các học sinh ưu tú để xét kết nạp Đảng. Ngoài tổ chức các phong trào thi đua, phát động hoạt động xã hội, nhà trường chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho học sinh như: Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”; triển lãm tranh, ảnh kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước… Các hoạt động giáo dục này đã góp phần khơi gợi niềm tự hào dân tộc, niềm tin và khát vọng cống hiến cho lý tưởng của Đảng trong học sinh.

Bí thư Đoàn trường Amsterdam Phan Hồng Anh cho biết, Đoàn trường thường xuyên nắm bắt tư tưởng của các bạn học sinh và có định hướng riêng cho những bạn có tố chất, đủ điều kiện để xét kết nạp Đảng trong trường. Đoàn trường cũng tạo điều kiện để các bạn tham gia vào hoạt động xã hội, tình nguyện, phát triển kiến thức, kỹ năng sống.

Còn đối với Trường THPT Yên Hòa, trong 3 năm trở lại đây, vào đầu năm học, Chi ủy, Ban Giám hiệu chỉ đạo đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, Ban Chấp hành Đoàn trường rà soát những học sinh lớp 11 sinh từ tháng 1 - 5, có thành tích học tập xuất sắc, tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội, hoạt động tập thể, có tố chất thủ lĩnh và tinh thần cống hiến.

Sau đó, Chi ủy, Ban Giám hiệu và Ban Chấp hành Đoàn trường gặp mặt các học sinh này, nêu rõ kế hoạch phát triển Đảng trong học sinh của chi bộ; khơi gợi để các em chia sẻ tâm tư, nguyện vọng.

“Trong quá trình bồi dưỡng, giúp đỡ, cần đặc biệt lưu ý là bồi dưỡng qua công việc và ở môi trường phù hợp thì các em mới thể hiện, phát huy năng lực, phẩm chất của mình. Chi ủy định hướng đảng viên, giáo viên giúp đỡ, gặp gỡ học sinh để tư vấn, động viên, khích lệ. Quá trình đó cũng cần sự phối hợp rất chặt chẽ từ phía gia đình” – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Tạo môi trường rèn luyện những “mầm xanh”

“Trưởng thành từ Đoàn”, “đi lên từ Đoàn” là câu nhận xét ngắn gọn khẳng định Đoàn là môi trường rèn luyện tốt để những đoàn viên ưu tú, nhất là học sinh được tôi luyện và trưởng thành. Theo đại diện lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội, tổ chức Đoàn các cấp luôn xác định công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên.

Đặc biệt, Thành đoàn luôn chú trọng lấy chất lượng là yếu tố hàng đầu. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, các cơ sở Đoàn trực thuộc tập trung vào việc thành lập các tổ, nhóm, câu lạc bộ để tạo điều kiện cho đoàn viên ưu tú giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động, học tập, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận.

Đoàn viên ưu tú cũng được tổ chức Đoàn phân công, giao những trọng trách để rèn luyện và thử thách, phát huy tối đa năng lực và khả năng sáng tạo của từng cá nhân. Từ trong các hoạt động, phong trào này, các tổ chức Đoàn kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp.

Tại trường THPT Quốc Oai, huyện Quốc Oai, việc giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến còn phải được lồng ghép trong các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân và trong các hoạt động giáo dục trải nghiệm cũng như phong trào thi đua. Ngoài ra, tổ chức Đoàn Thanh niên và giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò rất lớn trong việc tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Xét thấy rằng, để trở thành những đảng viên ưu tú trong tương lai, học sinh phải được tham gia vào các công tác Đoàn, có cơ hội đưa những lý thuyết đã tiếp thu vận dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, nhà trường, thầy cô giáo phải khơi gợi tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện của học sinh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được”.

Quá trình bồi dưỡng, giáo dục thế hệ đảng viên tương lai phải giúp các em hình thành tinh thần tự giác, tự phát hiện khuyết điểm và nỗ lực hoàn thiện bản thân. Có như vậy mới triệt tiêu được tinh thần chủ quan, ỷ lại của học sinh, giúp các em luôn giữ vững đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị của mình. Ngoài ra, quá trình tu dưỡng, rèn luyện để được đứng vào đội ngũ đảng viên không chỉ là nhiệm vụ học tập trong khuôn viên trường học mà còn cần đến sự động viên, định hướng của cha mẹ.

 

Trực tiếp tham dự buổi lễ kết nạp Đảng tại Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngày 4/6/2022, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Bước đi đầu tiên này rất quan trọng đối với Hà Nội nói chung và đối với trường Amsterdam nói riêng, để đất nước chúng ta có thêm nhiều học sinh tiếp tục đóng góp cho Tổ quốc”.


(Còn nữa)

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần