Tái chế rác thải: Bao giờ hết manh mún?

Bài 2: Hệ lụy từ những dự án, mô hình thất bại

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng rác thải không ngừng tăng cao mỗi ngày nhưng không được quản lý hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, tốn kém chi phí, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế, xã hội...

Trong khi các dự án, mô hình triển khai mới lại gây thất vọng cho người dân, dẫn đến ảnh hưởng lớn tới mục tiêu chung trong thu gom, phân loại rác thải của cả TP.

>>> Bài 1: Mất cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường

Người dân mất lòng tin

Quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, khiến lượng rác thải tại Việt Nam không ngừng tăng cao mỗi ngày. Báo cáo của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng, ước tính trong vòng chưa đầy 15 năm, khối lượng rác thải phát sinh đã tăng gấp đôi. Ở 5 TP lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70%.

Nhà máy tiêu tốn 4ha đất ruộng nhưng bị bỏ hoang khiến người dân mất niềm tin. Ảnh: Vũ Khoa
Nhà máy tiêu tốn 4ha đất ruộng nhưng bị bỏ hoang khiến người dân mất niềm tin. Ảnh: Vũ Khoa

Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy, lượng rác thải ngày một tăng trong khi đó hệ thống thu gom, xử lý không đáp ứng kịp, cụ thể là trong năm 2015, Việt Nam phát sinh khoảng 27 triệu tấn chất thải.

Tại Hà Nội, lượng chất thải rắn vào năm 2018 bình quân là 1,21 kg/người/ngày, được xác định từ phạm vi thu gom và tổng lượng chất thải rắn được thu gom từ hộ gia đình. Đến năm 2020, con số này vào khoảng 7.000 tấn/ngày, tỷ lệ nhựa trong tổng thành phần chất thải đã tăng đáng kể từ 9 - 10% năm 2011 lên 17% năm 2018, tương đương 0,21kg nhựa/người/ngày.

Những thông số không mong muốn này, khiến TP Hà Nội đã phải nỗ lực thực hiện nhiều pháp nhằm cải thiện môi trường, thông qua công tác phân loại, xử lý rác thải. Tuy có hành động đã đạt hiệu quả, nhưng những thất bại như dự án 3R, một số nhà máy xử lý đã được xử lý dẫn đến mục tiêu chung cũng bị ảnh hưởng.

Ví dụ như tại nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Thành Quang tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng có công suất 200 tấn/ngày đêm. Dự án này sử dụng hơn 4ha đất ruộng thu hồi nhưng đã dừng hoạt động suốt 3 năm nay.

Một ví dụ khác như tại huyện Đông Anh, dự án khu xử lý chất thải rắn Việt Hùng do Công ty CP đầu tư Thành Quang làm chủ đầu tư dù đã hoàn thiện 90 % khối lượng, nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4/2017 nhưng đến tháng 4/2022 vẫn không hoạt động được. Nguyên nhân được đưa ra là bởi chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.

Trên địa bàn các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên đều đang diễn ra tình trạng các khu xử lý chất thải dù đã được quy hoạch nhưng chậm tiến độ do diện tích, công suất không phù hợp với định hướng công nghệ và phát triển đô thị của TP hiện nay hoặc vướng mắc trong khâu GPMB.

Thực trạng này khiến các sở, ngành Hà Nội tốn nhiều công sức thanh tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Trong đó, đa phần các chủ đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, trong quá trình thực hiện các thủ tục còn chưa tuân thủ theo quy định, gây thêm vướng mắc.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Phương Đình Nguyễn Xuân Khăng cho biết, dù ngay trên địa bàn có nhà máy nhưng hiện nay toàn bộ rác thải vẫn phải thu gom và đưa đi xử lý tại Xuân Sơn. Nghịch lý này là do công nghệ không đáp ứng. Hay những khu xử lý như tại Cầu Diễn và Kiêu Kỵ dù đã đi vào hoạt động nhưng không đạt hiệu quả nên lại phải tạm ngừng. Nhìn vào những sự thất bại này, không ít người dân Thủ đô tỏ ra mất niềm tin và không còn nhiệt tình tham gia vào những mô hình chính sách nhỏ nhất như phân loại, xử lý rác tại từng hộ gia đình.

“Dự án lớn, tiêu tốn đất đai, tiền của mà còn để hoang, không hoạt động nổi thì người dân phân loại để làm gì? Có đem về kết quả gì hay không khi các loại rác lại bị trộn lẫn ngay sau đó?”, một người dân xã Phương Đình, huyện Đan Phượng chia sẻ.

Lượng lớn rác thải bị tuồn ra môi trường

Thực chất, việc phân loại thu gom rác thải có tác dụng rất lớn giúp giảm áp lực cho hoạt động xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hà Nội, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, hạn chế ô nhiễm môi trường. Mặt khác, đây cũng là những bước sơ khởi để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Rác thải bị tuồn ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề.
Rác thải bị tuồn ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề.

Theo báo cáo kết quả triển khai Dự án “Quản lý, phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hà Nội” do URENCO phối hợp với PRO, tổng khối lượng rác tái chế thu gom từ 5 quận nội thành từ ngày 1/6/2021 đến 30/11/2021 lên tới 1 triệu 200 nghìn tấn. Dù đây đã là một con số rất lớn nhưng cũng mới chỉ đạt 48,6% mục tiêu đề ra, cho thấy còn khối lượng lớn rác thải bị trôi nổi ngoài môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, để đạt được hiệu quả tối đa trong phân loại, thu gom rác thải tái chế cần có sự hưởng ứng và ý thức cao của toàn bộ xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Vấn đề ở chỗ, khi niềm tin của người dân dành cho các chính sách, mô hình mới còn bị lung lay thì những mục tiêu mà cả hệ thống chính quyền TP đang theo đuổi còn gặp nhiều trắc trở.

Đánh giá rằng nhiệm vụ cải thiện môi trường thông qua phân loại tại nguồn, tạo điều kiện cho hoạt động tái chế rác thải là bắt buộc phải làm. Rút ra bài học kinh nghiệm từ những bất cập đã gặp phải, các sở, ban, ngành TP đã không nản chí, đã và đang nỗ lực xây dựng những mô hình mới, có tính chất khả thi áp dụng vào thực tế.

Ví dụ như tại huyện Đông Anh, Sở TNMT phối hợp với Trung tâm Sống và học tập vì môi trường đã triển khai thí điểm và nhân rộng trên toàn bộ 23 xã, thị trấn về mô hình phân loại rác tại nguồn. Qua đó, tỷ lệ lượng rác giảm không phải chôn lấp tại bãi tập trung đạt từ 50 - 70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ được kiểm kê.

Khối lượng vận chuyển lên bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn phát sinh năm 2021 giảm hơn khoảng 12 tấn/ngày. Kết quả này đạt được là do nhận thức của người dân về việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã được nâng lên, từng bước hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Tuy vậy, do đặc thù khác biệt ở từng quận, huyện nên mô hình này vẫn chưa thể được nhân rộng thí điểm.

 

"Các hoạt động thông thường phi chính thức (thu gom đồng nát, ve chai) thực chất vẫn đang diễn ra hàng ngày, tuy nhiên, rác thải tái chế đó có đi đúng vào hệ thống tái chế hay không thì không ai có thể trả lời được. Thực trạng này tác động rất mạnh đến niềm tin của hàng triệu người dân Thủ đô, khiến họ không nhiệt tình chung tay vào công tác bảo vệ môi trường." - Giám đốc dự án Giảm ô nhiễm rác nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP) Nguyễn Thị Thu Trang

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần