Bài 2: Không có tiền đừng chơi bóng đá?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bóng đá Việt Nam đang ở vào thế phải chạy đua tiền khốc liệt, nếu không muốn mình bị loại khỏi cuộc chơi.

Giải càng về cuối, vai trò đồng tiền càng thể hiện rõ nét. Người ta nói rằng, nếu ông bầu không đủ lãi một năm khoảng 500 tỉ thì đừng nghĩ tới chuyện làm bóng đá tại Việt Nam… 

 

Bài 1: “Doping” tiền thưởng: Tỉ đồng cho trận thắng

 

Tiền quyết định
chiến thắng

Nhìn cơn lốc doping tiền thưởng, câu hỏi đặt ra là khoản tiền ấy đem lại chiến thắng hay chỉ là một yếu tố quyết định chiến thắng? Tiền thưởng, dù là nhiều hay ít, là cú hích tinh thần cho các cầu thủ. Họ sẽ có thêm động lực, trách nhiệm để giành chiến thắng. Vấn đề là tại sao đang đá rất kém, mà chỉ cần thưởng thật to là đội bóng bỗng nhiên " lột xác", các cầu thủ đá tốt hơn, và… khao khát chiến thắng hơn? Điều này khiến người ta phải nghĩ rằng hóa ra họ cố tình đá thua, đá kém để có một khoản tiền lớn hơn.

Chính từ chuyện này mới liên quan đến các ông bầu và cách làm bóng đá của họ. Dẫu biết rằng việc phải treo thưởng để đội nhà trụ hạng là chuyện "đặng chẳng đừng" khi mọi sự kêu gọi tinh thần đối với các cầu thủ đều đã không có tác dụng. Hơn nữa, tốn vài tỉ đồng để trụ hạng còn quá rẻ so với mức đầu tư để trở lại hạng. Thế phải treo thưởng, còn không ư? Cứ nhìn các đội bóng của các ông bầu đang "nói không với tiền thưởng" như ĐT.LA, Hà Nội ACB thì biết.

Tại thời điểm này, Hà Nội ACB đã chắc suất xuống hạng, trong khi ĐTLA đang ngấp nghé cho suất còn lại. Cả 2 ông bầu bóng đá này đều muốn làm bóng đá theo cách trả tiền với đúng năng lực cầu thủ. Mười năm qua, ông bầu Võ Quốc Thắng (ĐT.LA) vẫn miệt mài theo đuổi cách làm riêng như ông tâm sự: " Mỗi đội có một cách làm bóng đá khác nhau. ĐT.LA cũng có cách làm riêng của ĐT.LA. Nếu cứ mỗi trận lại phải có tiền mới đá thì đâu phải cách làm lâu dài. Dần dần cầu thủ quen như thế, thì cứ chờ đến phút cuối được "quăng" tiền mới đá hay sao?" Có lần chính Chủ tịch của ĐT.LA tuyên bố ông không bao giờ ném tiền qua cửa sổ bằng việc mua về những cầu thủ VN với số tiền ngất ngưởng mà thực tế phong độ và lối chơi của họ không xứng đáng với giá trị. Bởi thế, bầu Thắng đã không giữ được cầu thủ giỏi. Một số trụ cột từng tạo dựng tên tuổi cùng với đội đã chịu tác động bởi những đồng tiền đã dứt áo ra đi.

Đua nhau “vung tiền”

Trên sân cỏ Việt Nam, hàng loạt ông bầu mới nổi đua nhau "vung tiền", hòng sớm đạt được thành tích tạm thời đang khiến sân chơi V-League vượt xa khỏi giá trị thực vốn có và trở nên khó kiểm soát. Cái chuẩn mực để đánh giá " đẳng cấp ông bầu bóng đá" với họ không phải là phát triển thương hiệu, kiếm tiền từ bóng đá mà rất đơn giản: tiền thưởng. Một ông bầu "chịu chơi" phải là người biết xuất hiện trước đội bóng và tuyên bố nếu thắng trận này sẽ thưởng bao nhiêu tiền. Thực tế ghi nhận là nhiều cầu thủ chỉ chịu đá hay nếu có tiền thưởng. Trong bối cảnh đồng tiền có có "ma lực" lớn đến như vậy trong bóng đá - thì thất bại của ông bầu Võ Quốc Thắng hay cả ông bầu Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB) là chuyện hiểu được. Trận đấu với HP. Hà Nộivừa qua, ĐT.LA không đưa ra mức thưởng trong khi ở đội khách treo đến 1,5 tỉ đồng. Chừng ấy thôi cũng đã thấy tỉ số trước trận đấu nghiêng về đội nào mất rồi.

 Bài 2: Không có tiền đừng chơi bóng đá? - Ảnh 1

Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB).

Vậy nên, khi các ông bầu khác chơi bóng đá theo kiểu rải tiền, thì bầu Thắng và đội của ông rớt lại. Thành tích đi xuống của ĐT.LA gần đây được nhắc nhiều đến bởi việc lãnh đội ngày một ít chịu đầu tư lực lượng cũng như tăng chế độ lương, thưởng cho cầu thủ nên họ đã đặt hơn một chân xuống hạng. Bây giờ có thể ông bầu này mới hiểu rằng, đố ông bầu nào không thưởng "nóng", thưởng to mà đội mình vẫn thắng?

Hà Nội ACB của bầu Kiên cũng vậy. Nhà tài chính đã quyết không bao giờ mua cái gì vượt quá giá trị thực, trong bối cảnh bóng đá VN đang tồn tại quá nhiều giá trị ảo như hiện nay. Bầu Kiên không kém bầu Thắng, hay bầu Đức trong lĩnh vực kiếm tiền, nhưng ông có một ước ao được làm bóng đá bài bản, chứ không phá giá, "đi đêm"… cũng không có chuyện phá lệ, nâng cao khoản thưởng. Chính vì vậy, người ta nói bầu Kiên là người làm bóng đá theo kiểu tôi thích tôi chơi (có lúc ông hứng lên còn nhảy vào cầm sa bàn chỉ đạo thay cho HLV trưởng). Thế nên Hà Nội ACB đã phải cầm vé về hạng Nhất? Chuyện Hà Nội ACB bấy lâu đứng ngoài cuộc đua tiền bạc và ông chủ của họ đi theo một lối làm bóng đá của riêng mình được dư luận ghi nhận. Đấy là điều mà thỉnh thoảng người ta vẫn ca ngợi bầu Kiên, nhưng bây giờ lại có vẻ giống như một sự an ủi.