Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 2: “Khủng hoảng” giá trị nhân văn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc học sinh phổ thông ít chọn ngành KHXH&NV, điều dễ nhìn thấy là nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực thuộc khối ngành nghề này. Nhưng nếu nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, sự suy giảm này còn là dấu hiệu của sự "khủng hoảng" hệ giá trị nhân văn, đồng thời cũng cho thấy sự mất cân bằng trong phát triển xã hội.

 
 
 
Nguy cơ mất cân bằng nguồn nhân lực...
 
Thí sinh cũng như xã hội coi nhẹ ngành KHXH đến mức các chuyên gia đầu ngành cho rằng đang ở mức báo động đỏ. Việc này dẫn đến nguy cơ trong tương lai, khi các ngành kinh tế, tài chính và một số ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ không sử dụng hết số lao động đã đào tạo thì các ngành KHXH sẽ khủng hoảng thiếu nhân lực, không có nguồn thay thế chất lượng. Trong khi đó, những ngành này vốn cực kỳ quan trọng với bất kỳ xã hội nào trong lĩnh vực đời sống tinh thần.
 
Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho rằng: "Có nhiều người cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế trong những năm qua diễn ra quá mạnh mẽ, nó cần nguồn nhân lực lớn, tạo thành cơn lốc xoáy cuốn nguồn nhân lực vào đó, làm lu mờ các lĩnh vực XH&NV. Theo tôi điều này cũng có một phần đúng, nhưng... kinh tế phát triển, đời sống con người nâng cao thì các lĩnh vực xã hội, nhân văn, nghệ thuật đương nhiên phải có thêm sức mạnh để phát triển chứ không thể vì thế mà lụi tàn. Sự phát triển nền kinh tế mà tạo ra sự khủng hoảng về XH&NV là sự phát triển không bình thường".

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học:
Đừng chờ đến đáy mới giải quyết
 
Sự thất thế của khối C chưa phải là đã đến đáy nhưng cái đáy đó ai cũng đã nhìn thấy. Đừng chờ đến đáy mới giải quyết vấn đề. Bởi điều này về sâu xa báo hiệu sự suy giảm rất khủng khiếp về giá trị nhân văn. Để đào tạo nên một con người cần cung cấp tri thức khoa học và tri thức về xã hội, đây là hai yếu tố căn cốt. Hiện nay có xu hướng lao vào tri thức thực dụng với sự lên ngôi của các ngành học như kinh tế, tài chính, ngân hàng, ngoại ngữ..., những nghề nghiệp nhanh chóng sinh lãi. Điều này, nhất thời tạo ra sự sung mãn của xã hội nhưng con người ngày càng trở nên cằn cỗi.
 
 
Xã hội muốn tiến lên phải để con người ta sống một cách đầy đủ và hạnh phúc. Theo GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Chúng ta rất cần làm kinh tế, cần nhiều khu công nghiệp..., nhưng không phải người ta sống chỉ bằng cái đó, mà cả xã hội tiến lên phải nhờ vào các nhà KHXH. Hay nói cách khác muốn xã hội phát triển thì phải phát triển KHXH một cách toàn diện. Và muốn vậy phải có người tiếp tục nghiên cứu KHXH, có sinh viên vào học và phải phát triển các trung tâm nghiên cứu về KHXH&NV.
 
Thực tế cũng cho thấy, trong nền kinh tế tri thức như hiện nay, các sản phẩm bán ra trên thị trường, hàm lượng trí tuệ xã hội nhân văn ngày càng lớn. Từ thẩm mỹ, mẫu mã, tâm lý tiêu dùng, các lĩnh vực truyền thông khác đều hết sức quan trọng. Đó là chưa kể tới khoa học quản lý điều hành sản xuất, quan hệ doanh nghiệp, phát triển nhân lực, quan hệ khách hàng... đều thuộc lĩnh vực của KHXH&NV.
 
... và những hệ lụy
 
Đương nhiên ai cũng hiểu, quay lưng với ngành KHXH, xét về lâu dài và ở tầm bao quát, là sự quay lưng với các giá trị làm người (tâm hồn, nhân cách). Thật đáng buồn một bộ phận thanh, thiếu niên có biểu hiện quay lưng và coi thường quá khứ, sống thờ ơ vô cảm, hời hợt và thực dụng, chỉ coi trọng những giá trị vật chất trước mắt, chạy theo đồng tiền... Giáo sư Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhận định: Thị hiếu của xã hội coi nhẹ tri thức KHXH, điều này rất nguy hiểm, nó lí giải phần nào sự cằn cỗi về đời sống của con người ngày hôm nay. Con người không được nuôi dưỡng về tâm hồn thì cái ác sẽ nảy sinh. Từ gia đình đến nhà trường, rộng ra là xã hội đều đang bị nhiễm độc bởi sự ngự trị của xu hướng làm tiền, kiếm tiền. Tri thức khoa học và tri thức tâm hồn đó là đôi cánh nâng đỡ con người. Trong khi mải mê chạy theo những nhu cầu thời thượng, chúng ta đã bỏ quên, đã coi nhẹ.
 
Thực tế đã chứng minh, có những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng cũng đáng quan ngại từ cách ăn mặc, nói năng, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Thế hệ trẻ bây giờ dễ dàng hấp thu tất cả những gì được coi là thời thượng, dù xấu, dù tốt. Những điều đó, đôi khi dẫn tới cách hành xử thiếu nhân ái, thiếu lễ độ, kém nhân văn... Bởi đúng như nhiều người nhận định, KHXH cung cấp cho con người những kiến thức xã hội cơ bản nhất và bồi đắp tâm hồn con người một cách thiết thực, sâu xa nhất. Khi lĩnh vực này bị khủng hoảng thì cũng là khi xã hội đứng trước một cuộc khủng hoảng thực sự về những giá trị nhân văn.
 
Bài 3: Chấn hưng thế nào?
 
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng:
Khoa học cơ bản cần một cái nền vững chãi
 
KHXH nói riêng và các ngành Khoa học cơ bản khác nói chung đang thật đáng lo ngại. Bởi các môn Khoa học cơ bản như cái nền móng, không vững chắc thì làm sao có được tòa lâu đài khoa học nước nhà bền vững và phát triển. Số sinh viên tuyển vào các ngành khoa học cơ bản không cần đông nhưng phải là những học sinh giỏi. Muốn vậy phải có chính sách cụ thể (được miễn học phí, được học các thầy giỏi và có việc làm và tiền lương thỏa đáng sau khi tốt nghiệp...)