Sự thiếu ý thức về văn hóa giao thông đang là một thực trạng đáng lo ngại, theo bà nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó?. - Nhiều người nói tình trạng kẹt xe tại các đô thị, trong đó có Hà Nội hiện nay có phần do cơ sở hạ tầng kém, phương tiện giao thông công cộng chậm phát triển. Nhưng theo tôi, giai đoạn vừa rồi, Hà Nội đã rất cố gắng trong cải tạo hạ tầng giao thông như mở rộng các tuyến phố, làm cầu vượt…, góp phần giải quyết được một phần ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, sự ùn tắc vẫn lặp đi lặp lại ở một số điểm, một số ngã tư có lưu lượng giao thông lớn và rất khó khắc phục, rồi dẫn đến tình trạng chen lấn, va chạm trên đường đi. Điều cốt yếu chính là do ý thức tôn trọng pháp luật của nhiều người dân yếu. Ai khi đi ra đường cũng muốn nhanh hơn người khác một chút, điều đó gây lên sự lộn xộn, thậm chí đi lấn đường, vượt ẩu... Nói khác đi, đó chính là hành vi bộc lộ của văn hóa ứng xử không tốt trong công cộng.
Nhiều người vẫn cố tình đi xe máy trên đường Vành đại 3 trên cao. Ảnh: Phạm Hùng |
Đáng ra luật có đủ rồi, chế tài xử phạt có đủ rồi, phải thực hiện cho tốt. Nhưng phải nói rằng, chúng ta rất ít quan tâm đến luật. Riêng về luật giao thông, ở các nước văn minh, ai cũng phải học để đi lại trên đường cho nghiêm chỉnh; đi trái luật, cảnh sát sẽ phạt rất nặng. Còn với nhiều người hiện nay đi không cần luật và họ cũng ít bị dư luận lên án. Sau nữa là việc xử lý vi phạm về giao thông của chúng ta chưa nghiêm; mức phạt thực ra chưa đủ sức răn đe. Nhiều người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam rất sửng sốt trước cảnh giao thông lộn xộn. Họ không thể hiểu vì sao chúng ta lại lưu thông trên đường một cách "mạnh ai nấy đi" như hiện nay. Là người đã đi đến nhiều nước, bà có nhận xét gì về vấn đề này? - Thực ra cách so sánh nào cũng là khập khiễng. Nhưng đúng là ở nhiều nước, người dân khi ra đường tuân thủ luật một cách tuyệt đối. Tôi được biết, trẻ em ngay từ nhỏ đã được học rất kỹ luật lệ và các phép tắc khi tham gia giao thông, dần dần những phép tắc ấy ngấm vào máu. Lớn lên, họ thực hiện như một tiềm thức sẵn có. Hơn nữa, tất cả các hành vi vi phạm đều bị phạt rất nặng, bị coi là hành vi trái với xã hội. Tại nhiều nước, lưu lượng giao thông cũng lớn lắm, đặc biệt là trên đường cao tốc, nhưng gần như "đường ai nấy đi", không chen chúc, không lấn đường và cũng rất ít xảy ra tai nạn. Đó cũng là những vấn đề mình cần nhìn để "học tập" và thay đổi. Để khắc phục tình trạng lộn xộn, thiết lập văn hóa giao thông, chúng ta cần phải làm gì? - Hà Nội đông thật và đường chưa thật sự đủ rộng, nhưng không phải là đường hẹp thì ùn tắc, vấn đề người tham gia giao thông không tuân thủ đúng luật. Nên tôi nghĩ trước hết phải đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền để mọi người không chỉ hiểu luật, mà còn thấy được trách nhiệm của mình trong thực hiện luật, và thấy rõ khi ấy mình có lợi thế nào, cộng đồng có lợi thế nào. Truyền thông từ cộng đồng nói chung chỉ một phần, cái quan trọng là phải giáo dục mang tính hệ thống bắt đầu từ trẻ em, từ gia đình, nhà trường, xã hội. Đồng thời, phải tuyên truyền thường xuyên trên báo chí bằng tiểu phẩm vui, phản ánh các vụ vi phạm luật giao thông... Nói cho có hình ảnh là muốn giải quyết ùn tắc trên đường thì trước hết phải khơi thông "ùn tắc" về văn hoá giao thông trong mỗi người đã. Sau nữa, TP nên rà soát lại tất cả hệ thống tín hiệu giao thông, điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường lực lượng nhiệm vụ hướng dẫn giao thông. Tiếp theo, phải tạo ra những tấm gương tốt. Những người điều khiển phương tiện giao thông công cộng và những người được giao chức năng đảm bảo giao thông phải đi đầu. Người lớn phải nêu gương cho giới trẻ. Phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nên tăng mức phạt. Phạt nặng để nhớ lâu. Vì trước khi người dân tự giác theo luật, họ phải sợ luật đã. Đã đến lúc phải "tuyên chiến" với kiểu tham gia giao thông theo bản năng, không có cách nào khác đâu. Theo bà, nhà trường, gia đình và xã hội phải kết hợp với nhau như thế nào để tạo cho mỗi người một "ý thức thường trực" về văn hóa giao thông ngay từ khi bắt đầu trưởng thành? - Tôi biết, môn học về giáo dục ATGT đã được tích hợp từ mẫu giáo. Nhưng sự giám sát về hiệu quả của sự giáo dục này thì chưa được làm thường xuyên, cho nên hiệu quả của giáo dục không được như mình mong muốn. Tôi nghĩ, nếu ở những nơi thầy cô có ý thức, cha mẹ cũng có ý thức, thì tự nhiên các em cũng sẽ có ý thức. Nhưng vì chính thầy cô, bố mẹ giáo dục các em, nhưng chưa chắc đã thực thi những điều đó khi ra ngoài xã hội. Dạy rồi để đấy. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm phải làm "hậu thi hành luật", tăng cường tính phản biện xã hội. Phải làm cương quyết cụ thể, có từng giai đoạn. Kinh nghiệm giải quyết ùn tắc giao thông thời gian qua cho thấy tìm giải pháp không phải cứ "duy ý chí" mà được. Nếu thấy hợp lý rồi phải quyết tâm làm. Tránh tình trạng làm thử ít hôm lại bỏ, khiến người tham gia giao thông "nhờn thuốc". Nhìn xa hơn, để giải quyết tận gốc vấn đề, các đô thị lớn như Hà Nội, phải phát triển các khu đô thị ven ngoại cho tốt để kéo dãn dân ra khỏi nội thành vốn rất chật hẹp. Sốt sắng hơn trong thực hiện những biện pháp trước mắt và lập tức triển khai những biện pháp lâu dài, mới có hy vọng giải quyết được vấn đề giao thông, nếu không sẽ ngày càng bế tắc. Xin cảm ơn bà!