Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 1
Công viên là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội, nơi sinh hoạt ngoài trời, đây là xu hướng xu hướng tất yếu của một đô thị hiện đại. Các không gian văn hóa công cộng tại công viên đã phần nào vẽ lên bức tranh về con người Hà Nội năng động mà tinh tế thông qua các hoạt động. Song hệ thống công viên của Hà Nội hiện nay đang rất thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của TP gần 9 triệu dân.
Dự án  công viên thể thao cây xanh Hà Đông sau nhiều năm vẫn ngổn ngang những bãi đất trống và công trình lấn chiếm tạm bợ.
Dự án  công viên thể thao cây xanh Hà Đông sau nhiều năm vẫn ngổn ngang những bãi đất trống và công trình lấn chiếm tạm bợ.
Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 2

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích 280ha, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất. Riêng 4 quận lõi trung tâm có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, tương đương chỉ 2,08m2/người. Tỷ lệ đất vườn hoa, sân chơi ở quận Hai Bà Trưng là cao nhất, cũng chỉ chiếm 12,83% diện tích đất tự nhiên. Theo KTS Đinh Đăng Hải, cán bộ Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam: “Tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, chia ra đầu người, dân khu vực Hoàn Kiếm chỉ có 0,1m2 vườn hoa trên đầu người. Đặc biệt, ở khu phố cổ dân số khoảng 7 vạn dân chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành diện tích gần 1.000m2. Diện tích chia đầu người rất nhỏ”.

Nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng xây dựng nhà ở chưa chú trọng xây dựng và sửa chữa cho các công viên xuống cấp.
Nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng xây dựng nhà ở chưa chú trọng xây dựng và sửa chữa cho các công viên xuống cấp.

Không những thiếu hụt, ít ỏi về diện tích, nhiều công viên, vườn hoa sau thời gian dài sử dụng, cảnh quan kiến trúc đã bắt đầu xuống cấp, cơ sở vật chất cũ, hỏng, việc chỉnh trang, sửa chữa còn chắp vá, và không ít nơi đã bị thương mại hóa. Ghi nhận tại một số vườn hoa trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm như Vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu), tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” có nhiều rêu mốc, ngoài ra còn xuất hiện vết bong tróc, nứt ở những điểm nối của các khối đá. Những chi tiết trên khối kiến trúc như gươm, bom ba càng của tượng đài cũng có dấu hiệu xuống cấp.

Dự án cải tạo Vườn hoa Diên Hồng mới chỉ cải tạo được cảnh quan. Riêng hạng mục Đài phun nước Con cóc cần tiếp tục xin ý kiến các Bộ ngành để bảo tồn
Dự án cải tạo Vườn hoa Diên Hồng mới chỉ cải tạo được cảnh quan. Riêng hạng mục Đài phun nước Con cóc cần tiếp tục xin ý kiến các Bộ ngành để bảo tồn

Đài phun nước ở Vườn hoa Con Cóc (Vườn hoa Diên Hồng) nhiều năm bị chằng đỡ bởi hai đai sắt lớn, tránh sự nứt vỡ lan rộng. Công trình này mới được UBND quận Hoàn Kiếm đã được cải tạo nhưng hạng mục đài phun nước Con cóc mới được tạm thời được vệ sinh rong rêu. Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Bảo tồn di tích, Bộ VHTT&DL và các chuyên gia của Vùng Île-de-France (Pháp) khảo sát, lập phương án bảo tồn nguyên trạng. Nên việc chằng thép bảo vệ những vết nứt, tránh gẫy đổ của đài phun nước chưa thể khắc phục. Vườn hoa Đại học Thủy lợi, Vườn hoa Đào Duy Anh, Vườn hoa Đường Thành…, bị lấn chiếm để bán hàng, đỗ xe, làm nơi để đồ dùng gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị...

Tại một số công viên như Công viên hồ Thành Công nền gạch tại một số vị trí bị bong, tróc, gây khó khăn cho người đi bộ. Còn tại Công viên hồ Đền Lừ - điểm vui chơi, tập thể dục của hàng nghìn người mỗi ngày nhưng một đoạn đường dạo sau bức tường Nhà văn hóa thanh niên quận Hoàng Mai dài khoảng 200m không có đơn vị nào chịu trách nhiệm chăm sóc, cắt tỉa cây cỏ, dọn vệ sinh khiến cây cỏ um tùm lấp cả lối đi; nhà vệ sinh công cộng tại công viên đã xuống cấp, gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường và là nơi tập trung của tệ nạn xã hội.

Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 3

Bà Đào Thị Hiền, người dân phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, Công viên hồ Đền Lừ từ lâu là nơi người dân đến tập thể dục, vui chơi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đoạn đường dạo không có đơn vị nào đứng ra chăm sóc, một số người dân đã cùng dọn dẹp, cắt cỏ ở đây, trong quá trình làm thấy rất nhiều kim tiêm, rác thải, rất mất vệ sinh, nguy hiểm cho người qua lại.

Nói đến công viên xuống cấp nghiêm trọng, bỏ lãng phí nhiều năm, bị nhiều công trình “xẻ thịt”, không thể không nhắc đến Công viên Tuổi Trẻ nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Sự việc và những tồn tại hàng chục năm nay, người dân và các cơ quan ngôn luận phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi.

Sự thiếu hụt và xuống cấp của những lá phổi xanh trong TP đã được cảnh báo từ rất lâu nhưng rất chậm được sửa chữa khắc phục. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Hà Nội phải cần có ngay những thay đổi thiết thực để cải thiện bộ mặt đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh việc kiểm kê quỹ đất, đặc biệt quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển công viên, vườn hoa sân chơi, thì khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích nhằm nâng cấp các không gian xanh làm tiền đề để phát triển một TP xanh là việc cấp thiết hiện nay.

Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 4

Diện tích công viên, cây xanh ở Thủ đô còn thấp, nhưng nhiều công viên Hà Nội lại vắng hoe. Tư duy “hàng rào” xuất hiện ở hầu hết các công viên của Hà Nội. ba công viên lớn của Hà Nội xây dựng lâu đời như Công viên Thống Nhất, Công viên Bách Thảo, công viên Thủ Lệ đã dựng nên những hàng rào trong công viên. Những công viên xây dựng vào đầu thế kỷ XXI cũng mang tư duy công viên hàng rào như: Công viên Cầu Giấy, Cầu viên Nghĩa Đô… cũng đều mang phong cách dựng rào hoa sắt bao quanh công viên. Chính vì những tấm rào sắt đã tạo điều kiện cho hàng loạt banner, áp phích quảng cáo treo sai quy định xuất hiện.

Những chuyện đáng buồn quanh hàng rào sắt của công viên
Những chuyện đáng buồn quanh hàng rào sắt của công viên

Công viên Thống Nhất trước khi hạ hàng rào xung quanh là banner quảng cáo, hoặc những tấm biển hết sức tế nhị được treo lên cảnh báo: Cấm đái bậy, Khu vực phức tạp về tệ nạn xã hội. Tại quận Hoàng Mai, Công viên Bắc Linh Đàm có nhiều hạng mục quanh tường rào bị xuống cấp như vỉa hè sát tường bị bong tróc, gạch đá gồ ghề; hệ thống chiếu sáng thiếu, hỏng hóc khá nhiều vì là khu vực ít người lui tới.

Có một câu vè rất hài hước khi nói về một số công viên Hà Nội: Comple thu vé- quần đùi... thì tha!”, “Thu phí quần đùi, miễn phí quần dài”. Câu nói này xuất hiện bởi rất nhiều công viên ở Hà Nội đang thực hiện việc thu phí vào công viên, ví như Công viên Bách Thảo, Công viên Thủ Lệ… và trước tháng 12/2022 là Công viên Thống Nhất. Mức phí thu được tính cụ thể:  Các đối tượng khác vào công viên sẽ phải mua vé vào cổng 1.000 đồng (với trẻ em) và 2.000 đồng (với người lớn). Đối với những người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên... nếu có nhu cầu tập luyện dưỡng sinh, thể dục, thể thao thường xuyên vào trước 8 giờ sáng và từ 16 giờ đến 19 giờ thì công viên không thu tiền vé. Như vậy, hóa ra công viên là của riêng những cư dân sống gần đó. Điều này tạo ra sự phân biệt đối xử trong hưởng thụ phúc lợi xã hội. Thêm nữa, việc thu cũng được và không thu cũng chẳng sao đã tạo kẽ hở trong quản lý thu vé vào cổng. Và điều quan trọng hơn, “tấm vé” vào cửa và những hàng rào sắt cao quá đầu đang biến công viên trở thành một “đặc khu”. Chưa kể, số tiền bán vé 1 tháng mỗi công viên chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng – chưa đủ trả lương cho nhân công đứng thu vé…

Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 5

Tư duy "hàng rào" các không gian công cộng không chỉ xuất hiện ở các công viên ở Hà Nội mà còn ở nhiều không gian văn hóa khác như Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trong khi về bản chất, thông điệp của những không gian này là cởi mở và phục vụ số đông.

Theo thiết kế ban đầu, cả hai công trình Nhà hát Lớn và Bảo tàng Lịch sử đều không có hàng rào. Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc của Nhà hát Garnier ở Paris, nhưng Nhà hát Lớn Hà Nội lại có thêm vườn hoa phía hai bên hông và một khu vực sân trước rộng rãi. Sau đó hai vườn hoa này bị rào lại và được cho thuê bán cà phê, ngăn cách hoàn toàn với không gian quảng trường trước mặt, khách sạn Hilton phía tay phải và Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng các khu danh thắng xung quanh Nhà hát Lớn. Năm 2017, Bộ VHTT&DL đã đề xuất dự án gỡ bỏ hàng rào quanh Nhà hát Lớn, đồng thời kết nối với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, để tạo ra một không gian văn hóa mở có tính kết nối và liên tục với khu vực Hồ Gươm và cảnh quan sông Hồng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, dự án này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Một quảng trường rộng lớn quanh khu vực Nhà hát Lớn, được xây dựng để tạo hiệu ứng mỹ quan tối đa, cũng như tạo ra không gian mở quanh khu vực này, nhưng đã bị những rào chắn che đi một phần diện mạo suốt nhiều năm qua.

Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 6

Dưới góc độ chuyên gia kiến trúc, cảnh quan đô thị, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho hay, bản chất công viên là không gian công cộng để mọi người đều có thể tiếp cận. Tại các nước trên thế giới, ngoại trừ những công viên mang tính chuyên đề (nuôi thú) hay những công viên mang tính chất di sản, cần phải bảo tồn có quy định khắt khe trong việc bảo vệ, quản lý không gian, còn hầu hết hệ thống công viên là không gian mở, không có tường rào. Chính vì vậy, UBND TP có chủ trương và cho hạ 1 phần hàng rào phía đường Trần Nhân Tông của công viên Thống Nhất. Sau Công viên Thống Nhất sẽ là Công viên Hòa Bình, công viên Bách Thảo…

“Hà Nội đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình 03/CTr-TU của Thành ủy với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh trang đô thị. Với Kế hoạch cụ thể, chi tiết nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa trong giai đoạn 2021 – 2025 là một trong những động thái tích cực cho thấy TP đang nhanh chóng đưa chủ trương của Thành ủy vào thực tế cuộc sống” – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.

Bài 2: Vừa thiếu lại vừa xuống cấp - Ảnh 7

06:28 07/08/2023