Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 1

Kinhtedothi - Cần xem hạn, mặn là thuộc tính của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quan tâm công tác dự báo để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn, mặn.

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 2

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong 10 năm gần đây, hạn, mặn ở ĐBSCL diễn ra khốc liệt. Đặc biệt, từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11/2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng.

Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… hạn, mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020). Dự báo, mùa mưa tại Nam Bộ sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng từ tuần giữa tháng 5), nắng nóng vẫn tiếp diễn, nền nhiệt cao.

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 3

Với thực trạng trên, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng cho rằng: Cần xem hạn, mặn là thuộc tính của ĐBSCL và quan tâm công tác dự báo để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất. Cùng với đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn, mặn.

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 4

Theo ông Hoằng, những năm qua, những dự báo, đầu tư công trình, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương đã mang lại kết quả tốt, khi chủ động có dự báo sớm sẽ giảm rất nhiều tác động và thiệt hại. Cụ thể, về giải pháp công trình, trong vùng đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; hay cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm Tiền Giang.

Năm nay, với tinh thần vào cuộc sớm, mặc dù hạn mặn cao hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm vào sâu hơn cả năm 2016, nhưng đến thời điểm này, thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo. Còn toàn bộ diện tích 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân đã thu hoạch phần lớn đạt năng suất tốt, hiện còn 78.000ha đang trổ, có nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000ha.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Hiệp chia sẻ về giải pháp ứng phó “3 cần – 4 có”. Đó là, cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt; xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương.

Bốn có, như công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần giải pháp công trình, nhưng phải đặt ra yêu cầu nguyên tắc ‘không hối tiếc’; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mekong,…

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 5

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ nêu giải pháp: Để thích ứng với hạn, mặn, cần hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái. Trong đó, đặc biệt quan tâm chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng. Nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn, mang lại giá trị kinh tế cao, sản xuất tập trung để phù hợp với hiện trạng canh tác.

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 6

Bên cạnh đó, tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn. Sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí.

Điển hình tại tỉnh Sóc Trăng, khi tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều giải pháp nhằm thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn. Nổi bật trong đó là mô hình dự trữ nước ngọt trong ao, mương, mô hình tưới phun tiết kiệm nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Cụ thể, sau khi sản xuất 2 vụ lúa chính đến vụ Đông Xuân muộn, nông dân tại xã Long Phú, huyện Long Phú đã chuyển qua trồng màu ngắn ngày để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Lâm Tal (ở ấp Tân Lập, xã Long Phú, huyện Long Phú) phấn khởi vì ông trồng màu mùa khô, khi ít người trồng nên rất có giá, chia sẻ: Hiện ông trồng 3.500m2 gồm xà lách, cải xanh, cải ngọt và hiện mỗi ngày ông bán cho tiểu thương gần 100 ký màu các loại, với giá từ 12 ngàn đến 20 ngàn đồng/ký. Nhờ trúng giá nên vụ màu này, mỗi một công lời vài chục triệu đồng.

Bài 3: Giải bài toán hạn, mặn ở ĐBSCL như thế nào? - Ảnh 7

Đồng thời, để sản xuất được nhiều vụ màu trong năm, kể cả mùa khô, nhiều nông dân đã đào nhiều mương nhỏ, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu. Do chủ yếu sử dụng nước ngọt từ cây nước sử dụng trong gia đình, không sử dụng nước trong kênh bị nhiễm mặn nên hoa màu phát triển tốt và đặc biệt ông chỉ sử dụng phân sinh học để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng nên được mọi người ưa chuộng.

Còn tại tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã có hàng trăm hộ dân không phải lo lắng cho sản xuất vào mỗi mùa khô hạn trong hơn 10 năm qua vì chuyển qua trồng cây sa sâm.

Cây sa sâm trồng trên địa bàn huyện Thạnh Phú mang lại thu nhập tốt cho người dân trong thời điểm bị xâm nhập mặn gay gắt. Đây vừa là một loại rau, vừa là một loại dược liệu quý nên được doanh nghiệp liên kết, chuyển giao sản xuất và thu mua toàn bộ cho người dân 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải.

Do đó, người sản xuất chỉ cần tập trung tạo ra sản phẩm tốt mà không cần phải lo đầu ra, dù trong thời điểm khắc nghiệt nắng nóng, khô hạn hiện nay. 

---------------------
Nội dung: Hoàng Nam – Hồng Thắm
Trình bày: Duy Anh

09:47 27/04/2024