Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 1

Những dòng sông ô nhiễm không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc về tương lai của con người. Nguồn nước sạch cạn kiệt, hệ sinh thái suy tàn và thiên tai ngày càng khốc liệt đang từng bước bào mòn sự sống của hàng triệu người. Khi dòng sông “hấp hối,” con người cũng đang đánh mất chính hơi thở của mình.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 2

Các dòng sông từng là biểu tượng của sự sống, là mạch nước ngọt nuôi dưỡng con người và muôn loài. Nhưng hôm nay, sông ngòi đang dần cạn kiệt sự sống khi bị bóp nghẹt bởi rác thải, nước thải công nghiệp và sự xâm lấn bừa bãi.

Những dòng nước trong xanh nay đã đổi màu, bốc mùi hôi thối, kéo theo hệ lụy không chỉ cho môi trường mà còn đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người. Khi nhìn vào thực trạng của sông Đáy, sông Hậu hay sông Đồng Nai, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng môi trường sống của chính mình đang bị thu hẹp từng ngày.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 3

Tại sông Đáy, các bãi thải “bóp cổ” lòng sông không chỉ khiến dòng chảy bị thu hẹp mà còn làm cho nước sông chuyển màu đen đặc, đặc quánh bọt trắng. Nước sông không thể dùng để tưới tiêu, trong khi người dân sống ven sông phải mua nước từ các trạm cung cấp với chi phí đắt đỏ. Bà Nguyễn Thị Hà - người dân xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chia sẻ: “Sông chết thì chúng tôi cũng khổ theo. Nước không còn sạch để tưới ruộng, chúng tôi phải khoan giếng, nhưng nước ngầm cũng chẳng khá hơn vì ô nhiễm lan sâu xuống lòng đất.”

Những dòng sông ngừng chảy là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy môi trường sống của con người đang dần “ngạt thở”. Hình ảnh tương tự cũng đang xảy ra ở sông Đồng Nai, một trong những con sông lớn nhất miền Nam. Tại khu vực hạ lưu, nước sông nhuộm màu ô nhiễm do nước thải từ các khu công nghiệp và đô thị xả trực tiếp mà không qua xử lý.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 4

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai, hơn 70% mẫu nước thu được từ các điểm quan trắc không đạt tiêu chuẩn an toàn. Hệ quả là hàng triệu người dân phải đối mặt với khủng hoảng nước sạch và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước.

Các chuyên gia môi trường chỉ ra rằng, vai trò của các dòng sông không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nước chính cho sinh hoạt và sản xuất mà còn là yếu tố quyết định đến sự ổn định của đời sống con người. Khi sông ô nhiễm bao phủ, nguồn nước sạch trở nên khan hiếm, kéo theo hàng loạt hệ lụy.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 5

Ở khu vực sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long, người dân ven sông đang chứng kiến những thay đổi nghiêm trọng. Đầu tiên là nguồn cá, tôm suy kiệt khiến những người dân vốn sống dựa vào việc đánh bắt thủy hải sản không còn kế sinh nhai. Không chỉ có vậy, nguồn nước sông ô nhiễm cũng khiến nghề nuôi trồng thủy sản thất bát, đẩy hàng nghìn hộ dân vào cảnh khốn khó.

Đó là câu chuyện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Còn tại miền Bắc, những dòng sông đang bị ô nhiễm, bị xâm hại nặng nề như sông Nhuệ và sông Đáy… gây ra những hệ lụy đáng báo động về môi trường và vệ sinh dịch tễ. Nhiều loài thủy sinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống bị hủy hoại.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 6

Theo một nghiên cứu từ Viện Khoa học Môi trường, khoảng 70% các loài cá nước ngọt tại các sông ô nhiễm như sông Đáy và sông Nhuệ đã giảm số lượng đáng kể, trong khi một số loài đã không còn được tìm thấy​. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ rõ, tỷ lệ các bệnh liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như tiêu chảy, viêm da, ung thư tăng cao ở những khu vực ven sông ô nhiễm nặng.

Mất nguồn nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày mà còn khiến chi phí xử lý nước trở nên đắt đỏ, gây áp lực lên các địa phương trong việc đảm bảo an sinh cho người dân. TS Hoàng Dương Tùng - Chuyên gia môi trường cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nước sạch trên diện rộng. Một khi nguồn nước tự nhiên không còn, chi phí phục hồi sẽ là gánh nặng khổng lồ mà xã hội phải trả”.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 7

Ô nhiễm sông ngòi không chỉ cướp đi nguồn nước sạch mà còn phá hủy hệ sinh thái tự nhiên vốn đa dạng và phong phú. Trên sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh), nước thải từ các làng nghề đã biến dòng sông thành một “dải nước chết,” nơi không một loài thủy sinh nào có thể tồn tại.

Báo cáo từ Viện Khoa học Môi trường cho thấy, số lượng cá nước ngọt tại khu vực này đã giảm hơn 80% trong vòng hai thập kỷ qua. Những loài cá đặc trưng của sông ngòi Bắc Bộ như cá chày, cá chép sông gần như biến mất. Còn ở miền Nam, sông Hậu cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 8

Tình trạng khai thác cát trái phép và ô nhiễm hóa chất từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đã phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Các nhà nghiên cứu sinh thái đưa ra cảnh báo, sự biến mất của những loài thủy sinh không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái mà còn đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của người dân.

Trong khi đó, việc khôi phục lại hệ sinh thái đã mất là vô cùng khó khăn và tốn kém. Hậu quả của việc mất đa dạng sinh học không chỉ dừng lại ở sự suy giảm số lượng loài mà còn gây ra sự mất cân bằng trong tự nhiên. Khi một mắt xích trong chuỗi thức ăn biến mất, toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo những tác động lâu dài đến môi trường sống của con người.

Một vấn đề đáng báo động khác là tình trạng lấn chiếm lòng sông, hành lang thoát lũ khiến các dòng sông mất đi chức năng điều tiết tự nhiên của mình. Sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội, đang bị thu hẹp bởi hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên bãi bồi. Sông Đáy, sông Nhuệ còn đáng báo động hơn khi những bãi thải lấn sông, những dãy nhà xưởng, công trình đang từng bước “bóp chết” dòng chảy của dòng sông.

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 9

Điều này không chỉ làm giảm khả năng thoát lũ mà còn đẩy nguy cơ vỡ đê lên mức báo động khi mưa lớn kéo dài. Việc thu hẹp lòng sông làm gia tăng áp lực lên đê điều. Khi xảy ra lũ lớn, thiệt hại sẽ không thể lường trước. Đặc biệt, tại các TP lớn như Hà Nội, khi hành lang thoát lũ bị thu hẹp, các trận lũ lớn sẽ gây ngập lụt nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Kịch bản vừa xảy ra với Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc khi siêu bão Yagi đổ bộ hồi tháng 9/2024 vừa qua đã nói lên tất cả. Cơn bão lịch sử kéo theo những trận mưa kéo dài như trút nước khiến hàng loạt con sông lớn của Hà Nội và khu vực phía Bắc “phá kỉ lục” và mức lũ lịch sử. Lũ lên nhanh và rút chậm đã gây ra hàng loạt hậu quả nặng về kinh tế và đời sống.

Bên cạnh đó, ở một kịch bản khác, Đồng bằng sông Cửu Long lại đang đối mặt tình trạng khai thác cát tràn lan. Tuy nhiên, hệ quả về mặt sinh thái mà khu vực này đang và sẽ phải đối mặt cũng không hề sáng sủa hơn. Vấn nạn khai thác cát tràn lan đã gây ra hơn 500 vụ sạt lở nghiêm trọng trong 10 năm qua. Nhiều hộ dân ven sông buộc phải di dời, mất đi nhà cửa và đất canh tác. 

Chính cách “can thiệp” thô bạo vào tự nhiên ngày càng rõ ràng này đã và đáng khiến con người phải đối mặt với những trận lũ lụt và thiên tai khốc liệt hơn bao giờ hết. Có thể nói, những dòng sông ngừng “thở” không chỉ là hồi chuông cảnh báo cho môi trường mà còn là lời nhắc nhở về tương lai của chính chúng ta. Khi nguồn nước sạch cạn kiệt, hệ sinh thái suy tàn và thiên tai ngày một gia tăng, con người sẽ phải trả giá đắt cho sự thờ ơ hôm nay.

Đừng xem đây là những vấn đề vĩ mô hay xa vời, bởi lẽ, “đời sống” của dòng sông cũng là một phần của dòng chảy cuộc sống con người. Ô nhiễm sông ngòi không còn là vấn đề vĩ mô hay xa vời, nó đang len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống chúng ta: từ nguồn nước sinh hoạt không còn an toàn, thực phẩm ô nhiễm đến thiên tai, lũ lụt ngày một khốc liệt.

Những dòng sông kêu cứu chính là lời cảnh báo cho chúng ta về một tương lai mà môi trường sống trở nên hạn hẹp, ngột ngạt. Đó không chỉ là hồi chuông cho sông ngòi, mà còn là tiếng gọi khẩn thiết cho chính sự tồn vong của con người.

(Còn nữa)

Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 10
Bài 3: Khi những dòng sông ngừng “thở” - Ảnh 11

06:45 30/12/2024