Do đó, một trong những đề xuất định hướng phát triển khu này là hình thành các động lực phát triển năng động, hiện đại, bên cạnh đó bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch.
Phát triển đô thị hiện đại thu hút dân cư từ nội đô
Trong những năm gần đây, diện mạo khu vực phía Đông Hà Nội thay đổi từng ngày nhờ vào những dự án hạ tầng giao thông huyết mạch đã và đang triển khai, tạo đà cho sự phát triển và bứt phá về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư... Nổi bật là nhiều cây cầu nghìn tỷ nối đôi bờ sông Hồng đã và sẽ được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các huyện ven sông thu hút đầu tư phát triển.
Trong đó, tọa lạc ngay cửa ngõ phía Đông Nam Hà Nội, huyện Gia Lâm như một tâm điểm của sự vượt bậc về đô thị hóa nhanh chóng với sự đổ bộ của các khu đô thị có quy mô lớn, khu phố thương mại sầm uất, công trình biểu tượng... thu hút cộng đồng dân cư và đón sóng đầu tư.
Các công trình giao thông trọng điểm kết nối Gia Lâm với khu vực lân cận đã và đang dần hình thành. Điển hình như cầu Vĩnh Tuy 2 với chiều dài 3,5km, rộng gần 20m với 4 làn xe vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao, tạo ra trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc TP, trong đó có huyện Gia Lâm.
Bên cạnh cầu Vĩnh Tuy, 3 cây cầu lớn khác bắc qua sông Hồng như cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) và cầu Mễ Sở (đi đến địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên) sẽ được xây dựng trong thời gian tới giúp kết nối toàn bộ Gia Lâm với khu trung tâm TP.
Cùng với các cây cầu, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng tại Gia Lâm đã hoàn thiện như: nút giao Cổ Linh, đường Lý Thánh Tông, đường song hành và đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… mở ra nhiều trục giao thông kết nối xuyên suốt khu vực phía Đông với các quận, huyện, tỉnh, thành lân cận, đưa Gia Lâm trở thành một đô thị trung tâm mới phát triển vượt bậc. Huyện đang tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xây dựng hạ tầng để đáp ứng đủ tiêu chí huyện lên quận theo đúng kế hoạch.
Cũng nằm trong Đề án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận, huyện Thanh Trì nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội được đanh giá là có nhiều tiềm năng để bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới nhờ những lợi thế nổi bật về hạ tầng, quỹ đất và triển vọng lên quận.
Với lợi thế quỹ đất lớn, khu vực huyện Thanh Trì đang được coi “mỏ vàng” để xây dựng những dự án khu đô thị có quy mô lớn, đồng bộ và hiện đại nhằm thu hút dân cư từ khu vực nội đô.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, huyện đang đầu tư một loạt dự án đường giao thông có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng như: đường giao thông liên xã Tả Thanh Oai - Đại Áng - Liên Ninh; hai tuyến đường nối đường Phan Trọng Tuệ với đường liên xã Vĩnh Quỳnh - Ngọc Hồi - Đại Áng; cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường Tứ Hiệp nối QL1A với đường Ngọc Hồi -Vũ Lăng; đầu tư cải tạo đường Nguyễn Bồ lên dốc Đồng Trì, xã Yên Mỹ.
Đặc biệt, những dự án lớn như đường Vành đai 3,5 đi cầu Ngọc Hồi; đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3; đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên… Những dự án này khi hoàn thành được xem là những đột phá về hạ tầng, đưa Thanh Trì trở thành điểm vàng về kết nối và kỳ vọng tạo ra diện mạo đô thị của huyện được nâng lên tầm cao mới.
Phát triển dịch vụ du lịch tầm quốc tế
Từ những những lợi thế, tiềm năng và thực tế phát triển, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (thuộc Liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) đã đề xuất định hướng chủ đạo phát triển khu vực 2 huyện Gia Lâm và Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với nhiều điểm đột phá.
Cụ thể, khu vực Gia Lâm - Long Biên nghiên cứu hình thành các khu thương mại - dịch vụ - du lịch - vui chơi quy mô lớn để cạnh tranh với những trung tâm vui chơi nổi tiếng của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… với nhiều chủ đề, gắn với các lợi thế về văn hóa - lịch sử - thiên nhiên.
Riêng huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, nơi tập trung đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, hàng không (sân bay Gia Lâm), đường sắt (Hà Nội - Lạng Sơn) đường thủy (sông Hồng, sông Đuống) sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông Hà Nội; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh của TP dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.
Đối với huyện Thanh Trì, lĩnh vực y tế là một trong những điểm nhấn đối với phát triển trên địa bàn. Huyện có 4 cơ sở y tế tuyến T.Ư gồm: Bệnh viện Nội tiết Trung ương; Bệnh viên K cơ sở 2 Tam Hiệp; Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều; Bệnh viện Đa khoa nông nghiệp; 4 cơ sở y tế tuyến TP; 43 cơ sở y tế tuyến tư nhân.
Do đó, đây sẽ là điểm đến đối với người dân Thủ đô và các tỉnh trong vùng về dịch vụ y tế. Về định hướng phát triển các khu đô thị mới bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp thu hút dân cư đến sinh sống.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà bày tỏ, Gia Lâm có bề dày truyền thống lịch sử với khối lượng đồ sộ gồm 320 di tích và 100 lễ hội, nhiều làng nghề nổi tiếng, ngoài ra huyện cũng có các khu vui chơi hiện đại tại Ocean Park.
Nhằm bảo đảm cho các mục tiêu phát triển du lịch như đơn vị tư vấn đề xuất, Hà Nội cần đẩy nhanh triển khai những đồ án quy hoạch tại địa bàn các huyện như: đồ án quy hoạch đầu tư bảo tồn phát triển làng gốm Bát Tràng thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; triển khai quy hoạch, đầu tư phát triển bãi giữa sông Hồng thành các điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí. Đặc biệt, TP cần sớm đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ cho các cụm tuyến du lịch đã được quy hoạch bảo đảm theo hướng thương hiệu, chất lượng cao, đậm bản sắc.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu
Vì vậy, huyện có điều kiện để khai thác phát triển về văn hóa, du lịch theo như định hướng của đơn vị tư vấn đề xuất. Tuy nhiên, huyện đang còn thiếu về dịch vụ lưu trú, ăn uống, do đó đề xuất đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu, định vị quy hoạch, giúp huyện phát triển các khu vực này cho phù hợp.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho hay, theo định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, khu vực Gia Lâm - Long Biên và phụ cận là một trong 7 cụm du lịch của Thủ đô. Thời gian tới, những quận, huyện khu vực này cần chú trọng quy hoạch các bến cảng dọc hai bên bờ sông để khai thác du lịch gắn với dòng sông Hồng, sông Đuống.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, tại Gia Lâm, Thanh Trì tập trung đẩy mạnh quy hoạch các khu du lịch mua sắm, du lịch đêm, vui chơi giải trí. Nhất là các địa phương cần chú trọng quy hoạch bảo tồn giá trị truyền thống để phục vụ phát triển du lịch làng nghề, văn hóa, du lịch tâm linh…
(Còn nữa)