Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái chế rác thải: Bao giờ hết manh mún?

Bài 3: Rơi rớt tài nguyên, môi trường bị xâm hại

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hà Nội, đã từng có thời điểm người dân hưởng ứng nhiệt tình trong hoạt động xã hội liên quan đến phân loại, tái chế rác thải nhưng đã phải thất vọng ngay sau đó vì thiếu tính nhất quán.

>>> Bài 1: Mất cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường

>>> Bài 2: Hệ lụy từ những dự án, mô hình thất bại

Một trong những nguyên nhân là bởi các chế tài xử lý, quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức chưa rõ ràng và có tính răn đe.

Rác thải khó phân hủy lan tràn ngoài môi trường. Ảnh: Vũ Khoa  
Rác thải khó phân hủy lan tràn ngoài môi trường. Ảnh: Vũ Khoa  

Đối mặt với “ô nhiễm trắng”

Theo chuyên gia Bùi Đức Hiển, phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và pháp luật, không ít quốc gia trên thế giới đã dần hoàn thiện thể chế pháp lý về kinh tế tuần hoàn và thu được nhiều thành công, như Kế hoạch hành động tuần hoàn 2015 và Chiến lược nhựa 2018 được Liên minh châu Âu (EU) xây dựng.

Tại Phần Lan, Pháp, Slovenia, Đức và Ý... đã công bố các chiến lược và lộ trình thực hiện. Trung Quốc và EU cũng đã ký một Biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế tuần hoàn năm 2018. Việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đã mang lại nhiều lợi ích to lớn vì kinh tế, về môi trường và xã hội.

Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore… cũng đã áp dụng các phương pháp tái chế chất thải rắn thông thường hợp lý, nên mỗi năm đã tiết kiệm được 50 - 55% các loại nguyên liệu như bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải. Trong khi ở Việt Nam, nguồn tài nguyên này vẫn bị coi là gánh nặng phải loại bỏ theo quan niệm xưa cũ. Với diện tích đứng thứ 68 thế giới, dân số đứng thứ 15, nhưng đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa với 1,83 triệu tấn/năm.

Các nguồn nguyên liệu tái chế dù rất đa dạng gồm chất hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… nhưng bị chôn vùi trong đất, hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy, tình trạng đốt, tiêu hủy gây ra khói, khí độc ra môi trường, nhiều bãi rác theo công nghệ cũ đã và đang gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống người dân.

Riêng ở hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khối lượng nhựa và túi ni-lông thải ra môi trường vào khoảng 80 tấn mỗi ngày, bình diện cả nước, loại rác thải này chiếm khoảng 8% đến 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà bị tuồn ra môi trường sống thì lượng chất thải nhựa và túi ni-lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng”.

Khối lượng nhựa và túi ni-lông thải ra môi trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào khoảng 80 tấn mỗi ngày
Khối lượng nhựa và túi ni-lông thải ra môi trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào khoảng 80 tấn mỗi ngày

Cần chế tài đủ sức răn đe

Chính bởi bối cảnh yêu cầu thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn đã và đang trở nên cấp bách, lần đầu tiên Nhà nước ta ghi nhận thuật ngữ phát triển “kinh tế tuần hoàn” ở Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó quy định trách nhiệm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đối với thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ở từng giai đoạn. Vấn đề này được hướng dẫn chi tiết hơn trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn rất nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức vẫn vi phạm các quy định về phân loại chất thải, gây ô nhiễm nhưng không bị xử lý một cách nghiêm khắc, triệt để. Vì vậy, bên cạnh các quy định hành lang, nhiều chuyên gia cho rằng cần thêm chế tài cụ thể, rõ ràng hơn tuỳ theo mức độ vi phạm pháp luật, cá nhân, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý thích đáng, và không loại trừ xem xét trách nhiệm hình sự.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông luật cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền, trong đó lưu ý đến vai trò của Chủ tịch UBND và trưởng công an cấp xã, sao cho phù hợp với quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2021, các Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Với cán bộ, công chức vi phạm quy định có thể chịu cả trách nhiệm kỷ luật.

Riêng ở những địa phương có “làng nghề tái chế”, chính quyền UBND các xã, huyện phải có thêm trách nhiệm quản lý chặt chẽ quy trình hậu tái chế, các phế phẩm sau phân loại được tập kết, xử lý ra sao. Tuyệt đối không thể viện lý do người dân cố tình đổ trộm, đốt trộm để bao biện cho tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

(Còn nữa)

 

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn Hà Nội từ năm 2017 - 2020, có 139 làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%). Bên cạnh đó, 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước (chiếm 19,9%). Tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%. Theo đánh giá, nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, phần lớn nước thải từ các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường, với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào.