Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài 3: Vi phạm đất rừng tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn: Vì sao khó xử lý?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số 9 xã có công trình vi phạm đất rừng theo thông báo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, đến nay, đã có 8 xã ra quân xử lý.

Tuy nhiên, xã Minh Trí - địa phương có số vi phạm lớn nhất với 22 công trình, vẫn chưa thể tổ chức xử lý. Đáng chú ý, toàn bộ 22 công trình này đều nằm tại vùng kinh tế mới thôn Minh Tân.
Vướng mắc tại thôn Minh Tân
Từ năm 1985 - 1988, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã điều động khoảng 130 hộ dân thuộc 5 xã: Xuân Thu, Kim Lũ, Tâm Hưng, Bắc Phú và Minh Trí đến xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí). Hệ thống chính trị của thôn cũng dần được kiện toàn với HTX và Chi bộ Đảng.
 Một công trình được xây dựng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Ảnh: Trọng Tùng
Thực hiện Quyết định số 6025/QĐ-UBND ngày 19/11/1988 của UBND TP Hà Nội và Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, hàng trăm hộ dân thôn Minh Tân đã tập trung trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Dù là “người có trước, rừng có sau”, nhưng năm 1993, thôn Minh Tân không được dẫn đạc đo vẽ bản đồ. Bởi vậy vào năm 1998, khi Hà Nội ban hành Quyết định số 2334/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch đất rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn, toàn bộ thôn Minh Tân đều nằm trong quy hoạch.
Do những bất cập trong quản lý đất rừng theo quy hoạch năm 1998, ngày 12/4/2005, đoàn công tác liên ngành của TP Hà Nội đã khảo sát và có báo cáo, trong đó, đề cập tới một số điểm chồng lấn khu dân cư tại thôn Minh Tân.
Ngày 29/3/2006, UBND huyện Sóc Sơn có Quyết định số 838/QĐ-UB, thành lập tổ công tác thống kê số hộ cần đo bản đồ địa chính và tiến hành đo bản đồ thôn Minh Tân. Do chủ trương lúc đó chỉ đo cho mỗi hộ 400m2 đất ở và 2.000m2 đất vườn rừng nên Nhân dân không đồng ý với lý do: Văn bản 300 ngày 8/5/1993 của Tổng cục Quản lý ruộng đất quy định mỗi hộ được 400m2 đất ở và 5.000m2 đất vườn rừng!
Theo thống kê của UBND huyện Sóc Sơn, tính đến ngày 15/5, đã có 32/65 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ giai đoạn 2017 – 2018 thuộc địa bàn 8 xã được xử lý. Trong số 33 công trình vi phạm còn lại, có 22 công trình ở xã Minh Trí, xã Minh Phú có 10 công trình và xã Phù Linh còn 1 công trình.
Năm 2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn. Toàn bộ thôn Minh Tân vẫn nằm trong quy hoạch mà chưa được phân tách. Điều này cũng đồng nghĩa, toàn bộ các công trình xây dựng tại thôn Minh Tân, bao gồm cả nhà văn hóa thôn, trường học, trạm xá, nhà thờ công giáo… đều vi phạm quy hoạch rừng phòng hộ.
Kiến nghị tiếp tục rà soát
Kết quả kiểm tra của Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra, trên địa bàn thôn Minh Tân có tổng số 301 công trình xây dựng vi phạm Quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường huyện Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội ban hành năm 2008.
Trong số các công trình trên, có 274 trường hợp không xác định được thời điểm vi phạm vì thiếu hồ sơ quản lý. Đối với 27 công trình xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2018, UBND huyện Sóc Sơn đã thiết lập hồ sơ để xử lý. Tuy nhiên, các chủ hộ này đều phản ứng rất quyết liệt vì cho rằng, họ đã sinh sống từ những ngày đầu xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò. Nay nhà ở xuống cấp nên buộc phải tu bổ, chứ không phải là công trình được xây dựng mới! Đáng chú ý, biên bản xác minh nguồn gốc đất của UBND xã Minh Trí và ý kiến của các hộ dân cư trú lâu đời tại thôn Minh Tân cũng đồng tình với quan điểm được các chủ hộ đưa ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn thừa nhận, để xử lý các vi phạm tại thôn Minh Tân hiện nay là rất khó khăn, do gặp nhiều phản đối của Nhân dân. Thực tế, ngay từ khi địa phương xây dựng kế hoạch ra quân xử lý, các chủ hộ đã nhiều lần tập trung đông người để phản đối. Thậm chí, kéo lên Văn phòng tiếp dân của TP Hà Nội để gửi đơn khiếu nại.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai trên địa bàn, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị TP cho phép tiếp tục rà soát để điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008. Trước mắt đối với thôn Minh Tân, địa phương đề nghị TP cho phép đo vẽ bản đồ, tách diện tích đất ở, đất nông nghiệp mà các hộ dân đang sinh sống ổn định ra khỏi quy hoạch rừng. Trên cơ sở quy hoạch rừng được điều chỉnh, huyện sẽ xem xét quyền và lợi ích của người sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.