Câu chuyện được nói đến nhiều nhất trong thành bại trong mỗi đợt chống dịch chính là ý thức người dân. Hà Nội đã thành công trong phòng, chống dịch ở 3 đợt dịch đã qua và đang từng ngày nỗ lực truy vết, dọn sạch F0 trong đợt dịch thứ 4. Để đạt được điều này không thể không nhắc đến tinh thần đồng lòng chống dịch của người Hà Nội. Tinh thần ấy trở thành lá chắn thép trong phòng thủ chống dịch.
|
Thực tế cho thấy, dù Chính phủ, chính quyền các địa phương và ngành chức năng cố gắng, quyết liệt đến đâu nhưng cuộc chiến chống dịch sẽ không đi đến thành công nếu thiếu sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân.
Tại Hà Nội, mỗi người dân đều sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để trở thành chiến sĩ chống dịch. Qua những đợt dịch trước, chiến thắng của hơn 8 triệu người dân Hà Nội là phần thưởng mà mỗi cá nhân đều có quyền tự hào và là “tấm huy chương” quý giá dành cho cả hệ thống chính trị của TP.
Hà Nội những ngày trước 23/7/2021, xe cộ tấp nập qua lại trên đường, người người hối hả các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt thường nhật. Thế nhưng, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chỉ thị 17 rồi đến Chỉ thị 18, 19 rồi 20 được Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ký ban hành, Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ ngày 24/7 theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Chính phủ; đường phố bỗng trở nên vắng vẻ lạ thường. Thấp thoáng trên mỗi con đường xanh rợp bóng cây của Hà Nội chỉ còn lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch như: Công an, quân đội, dân quân tự vệ…; một vài chiếc xe tải, xe chở hàng chuyên chở những mặt hàng thiết yếu để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hơn 8 triệu người dân.
Với đợt dịch này cũng vậy, tinh thần, ý chí trong phòng, chống dịch Covid-19 từ TP đã lan tỏa tới cơ sở và mỗi người dân. Cách thức thể hiện khác nhau song đều là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự đồng lòng, sẻ chia của người dân. Biết bao tấm gương, bao lực lượng, từ các tổ trưởng dân phố, đoàn viên thanh niên, đến công an, quân đội; các y, bác sĩ và cả đội ngũ công chức, viên chức, doanh nhân, nhà báo... mỗi người mỗi việc căng mình “chạy đua” chiến đấu với virus SARS-CoV-2.
|
Không chỉ là tốt trách nhiệm của công dân, họ còn sẵn sàng chi viện cho “tiền tuyến” ở các địa phương khác. Trong những ngày Hà Nội thành lập chốt kiểm soát người dân thực Chỉ thị 17 của UBND TP, chị Nguyễn Phương Nam xung phong trực chốt với lực lượng lực tự vệ ở tổ Covid-19 cộng đồng số 8 (phường Liễu Giai, quận Ba Đình). “Tại Chi bộ, tôi đã được phổ biến về tinh thần xung phong của các đảng viên, cá nhân cùng hỗ trợ lực lượng trực chốt, mỗi người hỗ trợ một phần việc để giảm áp lực cho từng lực lượng. Hàng ngày, tranh thủ lúc chiều và tối, tôi xung phong trực chốt. Chốt trực khoảng 2 - 3 người, đảm bảo các phòng dịch như khẩu trang, găng tay cao su, giữ khoảng cách 2m” - chị Phương Nam cho biết.
Mỗi văn bản của TP đưa ra, người dân đều chấp hành khá nghiêm. Sau những “mệnh lệnh” đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, người dân đều sẵn sàng chấp hành, dù những khó khăn về kinh tế có thể hiện hữu. Bà Nguyễn Thị Lan (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) bày tỏ, “là người dân, tôi thấy mình có nghĩa vụ chung tay chống dịch nên chấp hành nghiêm quy định. Gia đình tôi luôn nhắc nhở nhau tuyệt đối không ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Chúng tôi cũng không sốt sắng mua hàng tích trữ vì Hà Nội đã từng thực hiện giãn cách rồi, đây không phải lần đầu”.
Thực tế cho thấy, TP đã có sự chỉ đạo, điều tiết rất tốt, cung ứng đủ hàng hóa cho nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Người dân Hà Nội cảm thấy yên tâm hơn khi áp dụng quy định giãn cách xã hội, bởi mỗi người đều hiểu rằng, nếu không làm sớm, làm chặt thì số ca mắc Covid-19 tăng cao, rất khó kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
|
Dù Hà Nội đã trải qua nhiều đợt dịch, tại cấp TP, mỗi thời điểm lại có những phương án, kịch bản phòng dịch khác nhau. Với người dân, ở các địa bàn khác, mỗi thời điểm lại có những mô hình, cách làm thực tiễn được triển khai. Nếu các tổ Covid-19 cộng đồng đến từng nhà người dân để tuyên truyền, các lực lượng chức năng làm tốt việc cách ly, khoanh vùng khi có người nhiễm…
Nhiều mô hình hay nhanh chóng được triển khai, như "vùng xanh" tại quận Hoàng Mai đã lan tỏa ra rộng khắp các địa phương khác. Phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) thực hiện "vùng xanh" trong "vùng đỏ" kết hợp giữa cách ly y tế chặt chẽ với xét nghiệm diện rộng để bóc tách tất cả F0 và "khoanh" lại tại ngõ 105 phố Vọng Hà. Quận Thanh Xuân áp dụng mô hình "3 lớp+" gồm các chốt chặn từ tổ dân phố đến các trục đường chính, kết hợp với các tổ tuần tra lưu động trên địa bàn… Nhiều “vùng xanh” được thiết lập đồng nghĩa nhiều khu dân cư, tổ dân phố, tòa chung cư… đang được bảo vệ an toàn trước diễn biến lây lan hết sức phức tạp hiện nay.
Tại quận Thanh Xuân, thực hiện đúng nguyên tắc "khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly với phường", ngày 29/7, quận đã yêu cầu UBND 11 phường thực hiện phát phiếu "Đi mua hàng và thực hiện các dịch vụ thiết yếu", "Phiếu xác nhận hộ kinh doanh hàng thiết yếu". Các phường thông qua tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư để kịp thời chuyển phiếu tới từng hộ dân, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
|
Để giúp người dân hạn chế đến những nơi đông người có nguy cơ lây nhiễm, mới đây, Ban quản trị chung cư báo Nhân dân, khu chung cư Xuân Phương Quốc hội (phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) đã có sáng kiến “đi chợ hộ” cư dân. Đây là một trong những hoạt động thuộc mô hình phòng, chống Covid-19 được Ban quản trị các tòa nhà phát động với tên gọi “Chung cư 3 hỗ trợ”, gồm: Hỗ trợ chính quyền, hỗ trợ hàng xóm, hỗ trợ gia đình. Theo đó, nhóm tình nguyện viên sẽ nhận đơn đặt hàng nông sản từ cư dân, đồng thời làm việc với đầu mối cung cấp, cụ thể là đại diện Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) để thu mua và vận chuyển thực phẩm lên Hà Nội cho khách hàng. Những mặt hàng phong phú, được mua theo nhu cầu của cư dân các tòa nhà; đồng thời, được vận chuyển và đóng gói cẩn thận nhằm giữ độ tươi ngon, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm như hải sản, thịt lợn, thịt gà, trứng, rau củ quả các loại đến tận tay người tiêu dùng mà không qua khâu trung gian, nhờ đó cư dân vừa yên tâm về chất lượng sản phẩm, lại vừa được mua với giá bình ổn.
Khởi đầu từ chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), đến nay là rất nhiều khu chợ khác trên địa bàn TP, tiểu thương đã lắp tấm chắn giọt bắn trước quầy bán hàng để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Mọi người vào chợ mua hàng được đo thân nhiệt và phải tuân thủ nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế; người đều được đo thân nhiệt và phải khai báo y tế trước khi vào chợ.
Để phòng chống dịch Covid-19, các tiểu thương ở chợ sáng tạo nhiều cách mua bán hàng để giữ khoảng cách an toàn, hoặc các vùng an toàn được thiết lập. Cụ thể, để giảm tập trung đông người, nhiều địa bàn phát phiếu đi chợ cho người dân theo ngày chẵn - lẻ. Theo đó, mỗi phiếu chỉ cho một người đi và một lần vào chợ. Thậm chí, có những nơi còn quy định cụ thể khung giờ được phép vào chợ mua hàng, yêu cầu người dân cầm thẻ đi chợ đúng giờ quy định. Hoặc một số chợ tổ chức kẻ vạch sơn, chăng dây, yêu cầu người mua phải đứng sau vạch sơn, hoặc dây chăng để bảo đảm giữ khoảng cách với người bán.
Có thể nói rằng, tinh thần “chống dịch như chống giặc” vẫn luôn được mỗi người dân TP khắc ghi không chỉ trong suy nghĩ và trong từng việc làm, để thể hiện quyết tâm tìm lại sự bình an, phát triển cho Thủ đô yêu dấu.
|
|
|
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2021, Sở thực hiện thủ tục giải thể cho 1.706 DN (tăng 22% so với cùng kỳ), 7.435 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 5% so với cùng kỳ); các ngành sản xuất công nghiệp, chế biến tiếp tục bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt đợt dịch hiện nay đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, nơi tập trung phần lớn lực lượng lao động, những DN lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Mặc dù trước tác động của dịch bệnh, nhiều công ty, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, sản xuất bị đình trệ nhưng vượt qua những khó khăn đó, mỗi đơn vị vẫn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, đề cao trách nhiệm xã hội, chung tay tạo nguồn lực cùng địa phương phòng, chống dịch Covid-19. Vừa qua, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) đã chung tay ủng hộ 1,7 tỷ đồng phòng chống Covid- 19, ủng hộ 1.500 bộ quần áo bảo hộ (trị giá 60 triệu đồng) nhằm kịp thời bổ sung trang thiết bị y tế chung tay cùng tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch; hỗ trợ tiêu thụ 1,5 tấn vải cho người dân Bắc Giang…cùng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa khác.
|
Chia sẻ về các hoạt động ủng hộ, sẻ chia với người dân gặp khó trong dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà Đào Nam Phong cho hay: Ngay từ khi dịch bệnh tái bùng phát ở Việt Nam vào cuối tháng 4/2021, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên đã tích cực chung tay, tiếp sức bằng các hoạt động an sinh xã hội nhân văn như: Ủng hộ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đan Phượng; ủng hộ quỹ phòng, chống Covid-19 của UBND huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 quận Bắc Từ Liêm.... Tiếp nối chương trình ủng hộ, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, các hoàn cảnh khó khăn phòng chống dịch Covid-19, ngày 9/8, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cùng các DN, nhà hảo tâm đã tổ chức trao tặng những vật dụng y tế cho công tác chữa trị và dập dịch tại Bệnh viện Phổi Hà Nội.
Lan tỏa tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng đồng lòng vượt qua đại dịch, mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” là một hoạt động ý nghĩa nằm trong chương trình Hà Nội - Trái tim hồng do Thành đoàn Hà Nội phát động với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Với sự hỗ trợ của nhiều DN, hệ thống “Siêu thị mini 0 đồng” ở Hà Nội tiếp tục mở rộng, tặng thực phẩm tới người lao động khó khăn, công nhân mất việc làm, sinh viên nghèo ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giúp họ có đủ thực phẩm trong nhiều ngày.
Hành động đẹp của DN đã góp phần cùng Chính phủ cũng như chính quyền Hà Nội nói riêng chăm lo được đời sống cho người dân nghèo, từng bước đẩy lùi nguy cơ của dịch bệnh, mang lại sự yên bình, phát triển thịnh vượng trong tương lai.
|
08:00 07/12/2021