Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 1

Các dòng sông tại Việt Nam đang chịu đựng những tổn thương nặng nề do ô nhiễm, xâm lấn và khai thác quá mức. Muốn giải cứu các dòng sông cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, trong đó việc bảo vệ và phục hồi các dòng sông sẽ là hai nhiệm vụ quan trọng nhất, giống như “hai sợi chỉ đỏ” mà chúng ta phải giữ xuyên suốt chặng đường dài phía trước.

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã tự đặt ra rất nhiều câu hỏi rồi tự đi tìm câu trả lời, với hi vọng sẽ ngộ ra chân lý: Đâu là giải pháp để giải cứu các dòng sông?

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 2

Tôi xin bắt đầu câu chuyện bằng hành trình “thăm lại” dòng sông Đáy. Một ngày cuối tháng 12/2024, tôi lại nhận được cuộc gọi của anh bạn thân cho biết khu vực sông Đáy, đoạn qua địa phận xã Vân Côn tiếp tục xuất hiện những điểm đổ thải mới. Tức tốc trở lại hiện trường, quả thật các bãi thải mới đã hiện hữu tự lúc nào, thậm chí quy mô còn lớn hơn 3 bãi thải mà tôi đã phát hiện hồi tháng 4/2024.

Đứng trên cầu 72II phóng mắt nhìn về phía Đại lộ Thăng Long, cả một vạt bờ sông dài chạy dọc địa phận xã Vân Côn nham nhở những bãi thải, công trình lấn sát xuống chân sông Đáy. Trên một đoạn bờ sông dài chỉ tầm 200 – 300m có tới 4 bãi thải lấn ra “bóp cổ” lòng sông. Cạnh các bãi thải này đã mọc lên công trình nhà ở kiên cố, có công trình cao đến 3 - 4 tầng. Ở đầu bên kia, nơi sát cầu sông Đáy cũng có nhiều bãi thải mới đã xuất hiện. Sát bãi thải là một khu nhà xưởng được quây tôn kín. Bên ngoài lớp tôn xanh, từng đống chất thải rắn lớn tràn xuống tận dưới lòng sông Đáy.

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 3

Nhớ lại, cuối tháng 4/2024, sau khi hình ảnh về các bãi thải đang xâm hại dòng sông Đáy được đăng tải trên Báo Kinh tế & Đô thị, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội đã vào cuộc. Những bãi thải được xử lý, chính quyền địa phương cũng đưa ra cam kết sẽ có biện pháp ngăn chặn tình trạng đổ thải lấp sông. Quả thật, đến nay cả 3 bãi thải cũ đều đã bị “khóa”.

Nhưng bây giờ, dòng sông Đáy hiện ra thậm chí còn thê thảm hơn với hàng loạt bãi thải mới. “Ông thấy đấy, khúc sông này cứ như một cơ thể bị ung thư. Bãi thải mọc lên khắp nơi. Chúng cứ như những khối u đã di căn, cắt bỏ chỗ này lại mọc chỗ khác, chả bao giờ hết được” – lời nói của anh bạn thân khiến tôi lạnh sống lưng.

Hình ảnh về những người bệnh đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối bỗng hiện về trước mắt. Sông Đáy giờ chẳng khác nào một cơ thể mang trong mình trọng bệnh như vậy. Và, nếu như những bãi thải kia là những “khối u di căn” thực sự thì số phận của dòng sông một thời là biểu tượng của vùng đất Thăng Long, là hiện thân cho sự giàu có, trù phú và tươi đẹp của vùng quê lụa sẽ đi về đâu?

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 4

Từ chuyên gia pháp lý đến chuyên gia môi trường đều có chung nhận định, muốn bảo vệ các dòng sông khỏi bị bức tử, nếu chỉ trông chờ vào chế tài thì không đủ. Bởi chế tài dù đã có nhưng việc thực thi lại là câu chuyện khác. Luật sư Bùi Đính Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật hiện nay quy định rất rõ ràng, hành vi đổ trộm chất thải rắn thông thường có thể bị phạt tối đa tới 7 năm tù.

“Đây không phải là mức phạt nhẹ. Nhưng tại sao hành vi đổ trộm thải vẫn tràn lan” – luật sư Ứng đặt câu hỏi và tự trả lời rằng, vấn đề nằm ở người thực thi pháp luật chứ không nằm ở luật pháp. Trường hợp thứ nhất là do… ngại làm do muốn xử lý hình sự thì cần trưng cầu giám định xem chất thải đó là chất thải gì, khối lượng chất thải đổ ra là bao nhiêu? “Điều này mất thời gian hơn nhiều so với xử lý hành chính nên họ thường xử lý hành chính cho nhanh” – luật sư Ứng phân tích.

Trường hợp thứ hai là do cố tình “mắt nhắm mắt mở”, bỏ qua cho sai phạm. Bởi theo luật sư Ứng, hành vi đổ thải lấp sông chứ có phải đi… vứt trộm túi rác đâu mà bảo không hề hay biết. “Muốn bảo vệ các dòng sông phải có một “tấm khiên” vững chắc. Đó là thượng tôn pháp luật, muốn pháp luật được thượng tôn, các đơn vị thực thi pháp luật phải làm việc nghiêm minh. Còn trong trường hợp để sai phạm xảy ra mà nói không biết thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” – luật sư Ứng khẳng định.

Đồng quan điểm trên, TS Hoàng Dương Tùng – Chuyên gia môi trường bày tỏ thắc mắc khi nhiều địa phương lý giải cho tình trạng đổ thải lấp sông xảy ra trên địa bàn của mình là do họ… không biết. “Địa phương hoàn toàn có thể phát hiện và ngăn chặn” – ông Tùng nói và khẳng định, trong trường hợp này rõ ràng cơ quan chức năng địa phương đã không làm hết trách nhiệm hoặc làm ngơ cho sai phạm.

“Theo tôi để chấm dứt tình trạng đổ trộm chất thải xuống sông cần nhiều giải pháp. Trong đó tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân vẫn là quan trọng nhất” – chuyên gia này đề xuất.

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 5

Ngoài việc bảo vệ khỏi những hành vi bức tử việc hồi sinh các dòng sông cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các chuyên gia cho rằng, để cứu những dòng sông đang bị “bức tử”, giải pháp trước mắt là phải triển khai một chiến dịch cải tạo đồng bộ và triệt để. Điều này không chỉ bao gồm việc xử lý nước thải, nạo vét lòng sông mà còn phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề như xâm lấn bãi sông, khai thác cát bừa bãi và thói quen xả thải của cộng đồng.

Cải tạo và xử lý chất thải là những bước quan trọng đầu tiên. Việc nạo vét sông và dọn dẹp các bãi rác đã tồn tại hàng chục năm rất cần thiết, nhưng quan trọng hơn là xử lý triệt để chất thải từ các khu công nghiệp và dân cư. Một trong những giải pháp khả thi là xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung và bắt buộc doanh nghiệp, khu dân cư phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Chính quyền cần đẩy mạnh kiểm tra và xử lý các vi phạm, xử lý nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp cố tình xả thải trái phép.

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 6

Chính quyền địa phương cần làm gương trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường. Cần có các chính sách rõ ràng và mạnh mẽ để ngăn chặn hành vi vi phạm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của những cơ quan quản lý môi trường trong việc giám sát và xử lý sai phạm. Một hệ thống giám sát chặt chẽ sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời các hành vi xả thải trái phép.

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong cải tạo và bảo vệ sông ngòi với những mô hình đầy sáng tạo. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng những mô hình này.

Đầu tiên là mô hình cải tạo sông Cheonggyecheon, Hàn Quốc. Vào những năm 2000, sông Cheonggyecheon ở Seoul là một con sông đã bị chôn vùi dưới các con đường cao tốc và hệ thống xây dựng, đồng thời bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải và rác thải công nghiệp. Chính quyền Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ các công trình bê tông che phủ sông, nạo vét lòng sông và áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến.

Kết quả là sau hơn 20 năm, sông Cheonggyecheon không chỉ được cải tạo thành không gian công cộng xanh mát mà còn trở thành biểu tượng của sự thành công trong việc bảo vệ nguồn nước và sinh thái đô thị.

Singapore là một quốc gia nổi bật trong việc quản lý và bảo vệ các dòng sông. Hệ thống quản lý nước của Singapore là một trong những mô hình hiệu quả nhất thế giới, với công nghệ cảm biến và giám sát chất lượng nước tự động được áp dụng vào mọi dòng sông và hồ chứa. Các cơ quan chức năng tại Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý ô nhiễm và ngừng việc xả thải không kiểm soát.

Sông Singapore và các con sông phụ cận hiện nay không chỉ sạch sẽ mà còn được tận dụng cho hoạt động du lịch sinh thái, đóng góp vào phát triển kinh tế. Mô hình xử lý nước thải và bảo vệ dòng sông tại các quốc gia này cho thấy rằng, việc cứu các dòng sông khỏi ô nhiễm không chỉ khả thi mà còn mang lại những lợi ích lâu dài cho cộng đồng và môi trường.

Những bài học này có thể giúp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận vấn đề và tìm ra giải pháp hiệu quả hơn cho các dòng sông đang phải chịu đựng sự ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

(Còn nữa)

Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 7
Bài 4: Cách nào giải cứu các dòng sông? - Ảnh 8

18:30 30/12/2024